Kinh tế

Thu hút khách từ thị trường Đông Nam Á

06:48, 11/10/2023 (GMT+7)

Đa dạng hóa nguồn khách quốc tế là rất cần thiết đối với ngành du lịch thành phố nhằm giúp lấp đầy các thị trường còn đang thiếu hụt. Thời điểm này, Sở Du lịch tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá ở các thị trường Đông Nam Á nhằm thu hút thêm khách du lịch từ Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore...

Khách quốc tế đến thành phố qua Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Khách quốc tế đến thành phố qua Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Các thị trường khách đến từ Đông Nam Á lâu nay tuy chưa thuộc nhóm nguồn khách chủ lực của Đà Nẵng, nhưng theo thông tin của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, 9 tháng năm 2023, trong nhóm 10 số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng thì Thái Lan nằm ở vị trí thứ 2 với 147.724 lượt khách, chiếm 9,2%; Malaysia đứng vị trí thứ 6 với khoảng 65.072 lượt khách, chiếm 4,1%; Singapore đứng vị trí thứ 10 với 26.043 lượt khách, chiếm 1,6%.

Đánh giá về các thị trường khách Đông Nam Á, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, cho rằng thị trường khách này đang có sự tăng trưởng rất tốt; nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm 10 lượng khách số lượng lớn đến Việt Nam như Thái Lan Campuchia, Malaysia, Singapore… Đây là những thị trường rất gần Đà Nẵng, Việt Nam; có nhiều điều kiện thuận lợi như có các đường hàng không trực tiếp, thời gian bay ngắn; điều kiện kinh tế phục hồi du lịch, các chính sách mở cửa của các nước có quan hệ với Việt Nam hoàn toàn cởi mở và phục hồi so với trước dịch nên sẽ thuận lợi hơn các thị trường xa như Trung Quốc, Nga, châu Âu, Úc, Mỹ… Vì thế, để đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường này thì hoạt động xúc tiến, quảng bá phải thực hiện liên tục mới có kết quả. Tuy nhiên, rất khó để đo lường hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch mang lại, vì không phải cứ đi xúc tiến là khách sẽ đến mà cần làm thường xuyên để khách nhớ và khi có nhu cầu là sẽ chọn điểm đến của mình.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, hệ sinh thái du lịch của Đà Nẵng có nhiều nổi trội, đa dạng hơn các vùng miền khác từ cơ sở hạ tầng, giao thông đến các điểm tham quan du lịch… Dù vậy, một trong những lượng khách lớn từ Đông Nam Á là khách Hồi giáo, nhưng Đà Nẵng chưa có được hệ sinh thái dành cho thị trường này khi vẫn còn ít nhà hàng có chứng nhận Halal, ít các điểm cầu nguyện công cộng. Trong khi người Hồi giáo thường không khuyến khích cộng đồng của họ đi du lịch những điểm không có hệ sinh thái đầy đủ. Ngược lại với những điểm có hệ sinh thái tốt thì họ tự quảng bá, giới thiệu cho nhau. Đây là cách truyền thông rất tốt và hiệu quả bởi trong cộng đồng họ dễ tin tưởng nhau hơn. Do đó nếu được, thành phố nên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hệ sinh thái dành cho thị trường khách này.

Các hoạt động xúc tiến thường xuyên sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, kết nối trao đổi khách trong tương lai. Trong ảnh: Các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng và Indonesia tại chương trình xúc tiến ở Indonesia. Ảnh: T.H
Các hoạt động xúc tiến thường xuyên sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, kết nối trao đổi khách trong tương lai. TRONG ẢNH: Các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng và Indonesia tại chương trình xúc tiến ở Indonesia. Ảnh: THU HÀ

Đối với ngành du lịch thành phố cũng thường xuyên có các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm như tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Jakarta, Indonesia (ngày 6-10); tới đây sẽ tổ chức Chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Manila, Philippines (18-10); Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Kuala Lumpur, Malaysia và tham dự Hội chợ ITB Asia 2023 tại Singapore (23-10); trong tháng 11 dự kiến đón các đoàn famtrip (đại diện các đơn vị lữ hành đi khảo sát chất lượng dịch vụ) MICE Đông Nam Á đến Đà Nẵng - Quảng Nam khảo sát dịch vụ. Sở cũng có kế hoạch xúc tiến, quảng bá từng thị trường Đông Nam Á cụ thể trong năm 2024.

Mới đây, các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng và Indonesia đã có cơ hội gặp gỡ, kết nối để trao đổi khách trong tương lai. Theo bà Pauline, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Indonesia, những nhà điều hành tour uy tín tại Indonesia chia sẻ rằng 53% khách du lịch Indonesia sẵn sàng chi trả cho các tour cao cấp bao gồm nhiều dịch vụ, kể cả lưu trú tại các khách sạn 4-5 sao. Việc cập nhật thường xuyên các sản phẩm cũng như tham dự các hoạt động kết nối là điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp lữ hành.

“Chúng tôi rất mong đường bay trực tiếp sẽ sớm khởi động và qua đó sẽ tăng cường hợp tác giữa các đối tác du lịch hai bên trong thời gian đến”, bà Pauline bày tỏ. Nhận định khách Hồi giáo là nguồn khách tiềm năng lớn trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường Indonesia, trong chuyến xúc tiến, quảng bá vừa qua tại thị trường này, Đà Nẵng tập trung thu hút và đầu tư về cơ sở hạ tầng lưu trú, xúc tiến các đường bay trực tiếp, trang bị hệ thống các nhà hàng phục vụ món Halal, bố trí phòng cầu nguyện ngay tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng nhằm gia tăng tiện ích dành cho du khách Hồi giáo trên hành trình khám phá Đà Nẵng.

Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch, khẳng định thành phố đang nỗ lực trong việc kết nối, trao đổi trực tiếp với các hãng hàng không trong nước và hãng hàng không của Indonesia để thúc đẩy việc mở đường bay trực tiếp. Cùng với đó, ngành du lịch kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ thị trường khách Hồi giáo nói chung và khách du lịch Indonesia nói riêng. Thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối được tổ chức thường xuyên tới các thị trường trong khu vực, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng sẽ sớm thu hút được lượng lớn khách du lịch từ các thị trường này đến Đà Nẵng trong thời gian tới.

    THU HÀ

.