Kinh tế
Chuẩn bị sẵn sàng đón làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ
Tại diễn đàn “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt” do Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng phối hợp Chi hội Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Đà Nẵng (Amcham Đà Nẵng) tổ chức vào chiều 10-11, các cơ quan quản lý Nhà nước cùng doanh nghiệp chia sẻ thông tin nhằm đáp ứng chuỗi giá trị toàn cầu, đón làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ tới Việt Nam nói chung và Đà Nẵng - Quảng Nam nói riêng.
Các diễn giả thảo luận tại phiên tọa đàm “Giáo dục chất lượng cao”. Ảnh: M.Q |
Đà Nẵng “trải thảm” đón nhà đầu tư
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh thông tin, lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.016 dự án đầu tư vốn nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD. Thành phố xác định Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. Hiện thành phố có 81 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ với tổng vốn hơn 487,85 triệu USD (trong đó 19 dự án công nghệ thông tin với tổng vốn hơn 63,8 USD).
Các dự án đầu tư của Hoa Kỳ bảo đảm tiến độ và chất lượng và phù hợp định hướng phát triển của thành phố. Một số dự án có thương hiệu lớn của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Đà Nẵng như Coca-Cola, Keytronic, Kimberly-Clark, nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine... Sự phát triển của thành phố gắn liền với sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, do đó, thành phố rất quan tâm mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có năng lực tài chính, công nghệ đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác.
Đặc biệt, việc chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày 10-9 vừa qua mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương hai nước với nhiều cơ hội hợp tác rộng mở cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh cũng chính là những lĩnh vực mà thành phố Đà Nẵng mong muốn thu hút đầu tư như: công nghệ thông tin, sản xuất công nghệ cao, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục, bất động sản du lịch… Thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ trở thành những người định hình nên diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm tới, trở thành một động lực quan trọng hiện thực hóa ước mơ và khát vọng phồn vinh của người dân Đà Nẵng.
Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; luôn sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của mình, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper bày tỏ vui mừng vì hoạt động của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Đà Nẵng ngày càng phát triển như sản xuất của Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam. Có thể thấy, các linh kiện của máy bay boeing đã và đang được sản xuất tại Đà Nẵng, khẳng định vị trí và khả năng về nhân lực và hạ tầng của Đà Nẵng. Giáo dục, chuỗi cung ứng, hạ tầng cũng là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ rất quan tâm, là những nội dung quan trọng trong tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bên cạnh đó, tuyên bố chung của lãnh đạo 2 nước cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác thúc đẩy công nghiệp bán dẫn để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến bán dẫn. “Giữa 2 nước đã thành lập nhóm công tác hỗ trợ về đầu tư bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ thông tin để phục vụ cho các nhà máy tại Đà Nẵng - Quảng Nam nói riêng, miền Trung và Việt Nam nói chung. Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong phát triển công nghệ và nhân lực trong tương lai. Chúng tôi rất mong sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, góp phần để cùng Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”, đại sứ Marc E.Knapper nhấn mạnh.
Chuẩn bị các điều kiện đón sóng đầu tư
Diễn đàn có 3 phiên tọa đàm: giáo dục chất lượng cao; cơ sở hạ tầng và sản xuất; doanh nghiệp nhỏ và vừa và chuỗi cung ứng. Theo đó, chủ đề các phiên tọa đàm cũng là những điều kiện mà Đà Nẵng cần chuẩn bị tốt nhất để đón làn sóng đầu tư.
Theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay, trường đang hợp tác đào tạo với hơn 100 cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, chương trình đào tạo gắn liền thực tế với 20-100% chương trình học bằng tiếng Anh, kết hợp với chứng chỉ nghề nghiệp để đáp ứng điều kiện làm việc tại các quốc gia trên thế giới. Xu hướng công nghệ ngày càng phát triển hiện nay tác động trực tiếp đến chương trình đào tạo của nhà trường, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để chất lượng đào tạo nhân lực nâng cao hơn nữa.
Đề xuất về đầu tư hạ tầng, ông Christopher Allan Vanllon, Chủ tịch Amcham Đà Nẵng cho biết, có rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, đây là lợi thế để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi tìm kiếm nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao từ Hoa Kỳ cũng như các nước khác, các doanh nghiệp thường yêu cầu phải sử dụng ít nhất 25-30% nhu cầu năng lượng từ các nguồn năng lượng bền vững.
Điều này không có nghĩa là Khu Công nghệ cao phải tự đầu tư hệ thống năng lượng nhưng có thể thực hiện bằng cách miễn giảm thuế hoặc những cách tương tự để khuyến khích các nhà đầu tư mới tự chi trả cho nguồn năng lượng bền vững của họ, chẳng hạn như lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà để giảm năng lượng tiêu thụ hằng năm khoảng 23%.
Ông Michael Lương, Giám đốc dự án Công ty Phát Triển Giải Pháp Năng Lượng Sạch Asia Clean Capital Vietnam (ACCV), cựu Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Công ty Intel Hoa Kỳ cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp là nguồn nhân lực. Nhìn chung, vẫn còn nhiều sinh viên thiếu kỹ năng thực tế cũng như khả năng ngoại ngữ còn hạn chế, do đó, chương trình thực tập tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao là rất quan trọng.
“Với lợi thế về nguồn nhân lực đến từ Đại học Đà Nẵng, tôi hy vọng nhà máy tiếp theo về công nghệ bán dẫn của Intel sẽ tọa lạc tại Đà Nẵng. Để làm được điều này, chính quyền Đà Nẵng cần hỗ trợ đầy đủ từ chính sách đến các vấn đề ưu đãi khác. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI đến Việt Nam yêu cầu cao về sản xuất xanh, hạn chế phát khí thải ra môi trường nên các doanh nghiệp mong muốn hợp tác với doanh nghiệp FDI cần đề cao tính an toàn, thân thiện với môi trường; tính bền vững trong sản xuất”, ông Michael Lương nói.
MAI QUẾ