Kinh tế

Kỳ họp thứ 6: Quốc hội chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi

07:19, 24/11/2023 (GMT+7)

Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, các quy định về kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chiều 23-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự thảo gồm 15 chương và 203 điều (tăng 2 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Dự thảo chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, còn có nhiều ý kiến khác nhau về các quy định kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng.

Về áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 156), một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một cách kỹ lưỡng đối với các quy định liên quan đến can thiệp sớm, quản trị rủi ro ngân hàng.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 3 tháng liên tục).

Về hỗ trợ chi trả tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có quy định. Vì thế, Ủy ban Thường vụ cho hay đa số ý kiến đồng thuận bổ sung quy định về việc các ngân hàng được vay đặc biệt tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Với quy định cho vay đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến đại biểu theo hướng: Bỏ các nội dung liên quan đến ngân hàng được vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng khác; Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi, thay vào đó, ngân hàng được vay đặc biệt các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0%-năm với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, do đây là trường hợp sử dụng gián tiếp nguồn lực của Nhà nước trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thêm việc rà soát, hoàn thiện luật này được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo (ngân hàng này nắm giữ cổ phần tại nhà băng khác) đồng thời tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế-xã hội. Vì vậy cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh: “Việc xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật.”

Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo luật.

Theo Vietnam+

.