Kinh tế

Quản lý và phát triển sản phẩm nước mắm Nam Ô

07:50, 29/11/2023 (GMT+7)

Xây dựng phương án tổ chức quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô là một trong những nội dung quan trọng thuộc nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng”; qua đó, góp phần nâng cao uy tín, chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm trên thị trường, bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống đặc hữu.

Anh Bùi Thanh Phú, chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: VĂN HOÀNG
Anh Bùi Thanh Phú, chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô là một trong số ít làng nghề còn tồn tại và phát triển của Đà Nẵng. Nhằm bảo tồn, phát triển sản phẩm và làng nghề, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hỗ trợ triển khai nhiều nhiệm vụ, nổi bật là việc thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-BKHCN ngày 21-12-2021 của Bộ KH&CN phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm và thời gian thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng”.

Việc xây dựng phương án tổ chức quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô nhằm mục tiêu thiết lập hệ thống quản lý của cơ quan quản lý và cơ quan kiểm soát chất lượng nước mắm Nam Ô vận hành hiệu quả; bảo đảm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và các quyền lợi hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân thành viên. Đây còn là tiền đề bảo đảm đúng chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tiêu thụ trên thị trường; đồng thời, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý.

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng, đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ (thuộc Sở KH&CN), sản phẩm nước mắm Nam Ô sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu cộng đồng trên thị trường, bảo vệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh so với các sản phẩm mang nhãn hiệu thông thường.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân là thành viên sẽ được đào tạo, phổ biến, nâng cao kiến thức về việc sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý; được sử dụng logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ trên thị trường; hỗ trợ xây dựng mối quan hệ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, xây dựng các kênh thương mại, tiếp cận, mở rộng thị trường trong nước. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ có quy chế và hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy định hiện hành, góp phần củng cố hệ thống sản xuất, ổn định và duy trì sự phát triển bền vững của khu vực sản xuất sản phẩm. Để thực hiện được các mục tiêu trên, cần có những quy chế, quy định và phương án tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý tốt và hiệu quả.

Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, vừa qua, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho phương án tổ chức quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô”; hệ thống các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý. Theo đó, Trung tâm đã xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý, cụ thể: phương án tổ chức quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô; quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm; hướng dẫn cấp, sửa đổi, gia hạn và thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn cấp, quản lý và sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm nước mắm Nam Ô mang chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Tại hội thảo, các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị và hội viên làng nghề đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện các văn bản quản lý. Trong “Phương án tổ chức quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô”, mô hình tổng thể các thành tố tham gia hệ thống quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý bao gồm: hội đồng tư vấn; cơ quan quản lý; đối tượng sử dụng; đơn vị quản lý nội bộ; cơ quan quản lý bên ngoài; cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm. Để mô hình hoạt động và mang lại hiệu quả cao, ngoài nhân lực của các cơ quan quản lý thì hệ thống các văn bản của Trung ương, Cục Sở hữu trí tuệ và địa phương phải phù hợp với thực tế, địa bàn triển khai, thông tin cần thiết được đầy đủ.

VIỆT ÂN

.