Thương mại, dịch vụ là động lực phát triển kinh tế nông thôn

.

Diện mạo huyện Hòa Vang đã có nhiều đổi thay nhờ sự phát triển của các kênh phân phối bán lẻ hàng hóa và hệ thống các chợ truyền thống được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao của người dân vùng ven thì địa phương và các đơn vị sở, ban, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ (TM-DV).

Hoàn thiện mạng lưới các chợ trên địa bàn sẽ góp phần phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Hòa Vang.   Ảnh: TRẦN TRÚC
Hoàn thiện mạng lưới các chợ trên địa bàn sẽ góp phần phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Hòa Vang. Ảnh: TRẦN TRÚC

Quy mô còn nhỏ, lẻ

Qua ghi nhận tại các xã miền núi của huyện Hòa Vang, hoạt động TM-DV ở khu vực này có sự phát triển khá, từng bước đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Tại xã Hòa Bắc - địa bàn nằm xa trung tâm thành phố, có dân số ít và thưa nên TM-DV có quy mô nhỏ, lẻ. Toàn xã hiện có 123 hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ; chủ yếu là hàng ăn uống, vật liệu xây dựng, tạp hóa, vật tư nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (thôn Nam Yên) cho biết: “Các cơ sở, cửa hàng và chợ tạm tại địa phương cơ bản đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng của gia đình tôi. Dù cho những năm trở lại đây các cửa hàng đã tăng số lượng nhập hàng, tuy nhiên các mặt hàng vẫn không được đa dạng. Đơn cử như đồ điện tử, mỗi khi muốn mua, tôi phải di chuyển đến các nơi gần trung tâm mới có thể mua được sản phẩm vừa ý”.

Trong khi đó, tại xã Hòa Phú, các cửa hàng TM-DV phần lớn nằm ở dọc đường hai bên quốc lộ 14G. Trong cơ cấu kinh tế của xã đến cuối năm 2022, tỷ trọng TM-DV chiếm 21,29%; giá trị TM-DV năm 2022 đạt 57,91 tỷ đồng, tăng 21,47%/năm. Hiện xã có hơn 60 cửa hàng kinh doanh dịch vụ, 2 siêu thị mini được hình thành tại khu trung tâm xã, cung ứng đa dạng các mặt hàng thiết yếu.

Ông Nguyễn Hải Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay, xã đã hỗ trợ, vận động người dân phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch dọc tuyến quốc lộ 14G, đường Hòa Phú - Hòa Ninh; hỗ trợ hình thành 4 điểm bán hàng nông sản dọc tuyến đường phục vụ khách du lịch, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư, mở rộng nhà Gươl thôn Phú Túc để tạo cơ sở phát triển TM-DV, du lịch cộng đồng trên địa bàn. Xã Hòa Phú cũng mong muốn các cấp, ngành xây dựng quy hoạch các điểm bán hàng lưu niệm trên quốc lộ 14G, vì đây là tuyến đường kết nối các khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn xã.

Xã Hòa Phước là địa bàn có điều kiện giao thông thuận lợi, nhờ vậy đã phát huy thế mạnh giúp phát triển mạnh TM-DV. Tỷ trọng ngành TM-DV của xã được nâng cao với tổng giá trị năm 2022 đạt 314,8 tỷ đồng, tăng 21,97% so với năm 2020, tỷ lệ tăng bình quân 10,72%/năm. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của xã, tỷ trọng TM-DV chiếm 44,91% tổng giá trị, tăng 3,01% so với năm 2020.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Trần Bùi Quốc Bình, địa phương xác định TM-DV là ngành mũi nhọn phát triển kinh tế, xây dựng hình ảnh Hòa Phước phát triển năng động, thân thiện, mang bản sắc văn hóa riêng. Vì thế, xã đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch chung, trong đó ưu tiên quỹ đất phát triển TM-DV. Bên cạnh đó, Chợ đầu mối Hòa Phước được thành phố quy hoạch đã lâu nhưng đến nay chưa xây dựng. Vì vậy, xã đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm triển khai xây dựng chợ, khi được hình thành, Chợ đầu mối Hòa Phước sẽ là cú hích lớn thúc đẩy phát triển TM-DV của xã nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung.

Huyện Hoà Vang chú trọng đổi mới hình thức, phương thức kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn để từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. TRONG ẢNH: Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Phố đêm Túy Loan (giai đoạn 1) với sự đa dạng các loại hình, mặt hàng thời trang và hàng lưu niệm, ăn uống, giải trí, ẩm thực đã góp phần phát triển thương mại - dịch vụ của huyện Hoà Vang. Ảnh: TRẦN TRÚC
Huyện Hoà Vang chú trọng đổi mới hình thức, phương thức kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn để từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. TRONG ẢNH: Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Phố đêm Túy Loan (giai đoạn 1) với sự đa dạng các loại hình, mặt hàng thời trang và hàng lưu niệm, ăn uống, giải trí, ẩm thực đã góp phần phát triển thương mại - dịch vụ của huyện Hoà Vang. Ảnh: TRẦN TRÚC

Từng bước hoàn thiện hạ tầng

Huyện Hòa Vang đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giúp TM-DV phát triển tích cực. Cụ thể, chợ Lệ Trạch đã hoàn thiện đầu tư xây dựng để đưa vào sử dụng; chợ Hòa Nhơn, chợ Xuân Phú đã đi vào hoạt động. Các đơn vị triển khai thực hiện phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ. Đến nay, huyện đã triển khai mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ Túy Loan với sự tham gia của 390 hộ và chợ Miếu Bông có 100 hộ, đồng thời ký kết thực hiện tại các chợ của 11 xã.

Ngoài ra, các đơn vị đã xây dựng đề án Phát triển tuyến đường kinh doanh thương mại và khu phố đêm trên đường ĐT605 (xã Hòa Tiến); giới thiệu Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư khu đất 4.000m2 mặt tiền đường quốc lộ 14B tại xã Hòa Nhơn để làm địa điểm xây dựng siêu thị tổng hợp. Ông Ngô Ngọc Trúc, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang nhận định, tuy ngành TM-DV đã có bước phát triển, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động TM-DV chưa đồng bộ, đặc biệt là đối với các xã vùng xa của huyện. Các loại hình dịch vụ khác tuy có phát triển nhưng vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ.

Thời gian đến, huyện tiếp tục phối hợp với thành phố hoàn thành dự án Chợ đầu mối Hòa Phước theo định hướng trở thành chợ đầu mối cấp vùng; đầu tư, nâng cấp chợ Túy Loan và hình thành Trung tâm thương mại kết hợp chợ Hưởng Phước thành chợ điểm phục vụ du lịch; đầu tư xây mới chợ Hòa Khương, chợ Hòa Bắc; nâng cấp, sửa chữa các chợ xã còn lại. Huyện cũng sẽ quy hoạch thiết lập một số tuyến kinh doanh thương mại trên địa bàn ĐT605 (Hòa Tiến); đường ĐT601 (Hòa Sơn - Hòa Ninh); đường vành đai phía Nam, đường Phạm Hùng.

Theo Sở Công Thương, ngành TM-DV của huyện Hòa Vang thời gian qua phát triển khá tích cực, đi đôi với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, thích nghi dần với quá trình hội nhập và sự cạnh tranh thị trường. Theo đó, giá trị sản xuất TM-DV tăng bình quân 13,4%/năm, từ 2.727,4 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 4.524,5 tỷ đồng năm 2020. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tăng bình quân 13%/năm, tăng từ 2.389,2 tỷ đồng lên 3.825,8 tỷ đồng; tập trung các mặt hàng như may mặc, thép, vật liệu xây dựng.

Để ngành TM-DV của huyện Hòa Vang phát triển tương xứng với tiềm năng, thời gian đến, sở tập trung đầu tư xây dựng và đưa Chợ đầu mối Hòa Phước vào hoạt động; đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hòa Vang quy hoạch quỹ đất xây dựng các trung tâm thương mại, kêu gọi đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí tại Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Sơn, Hòa Ninh; phối hợp đầu tư, nâng cấp 16 chợ trên địa bàn theo hướng xây dựng chợ văn minh thương mại.

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có tổng số 7.174 hộ cá thể và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TM-DV; trong đó, có 6.621 hộ cá thể và 553 doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm (VA) TM-DV ước đạt 1.166 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, tăng 8,31% so với cùng kỳ năm 2022. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển TM-DV theo hướng văn minh, hiện đại, huyện Hòa Vang đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, TM-DV huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành TM-DV chiếm 57,36%, giá trị TM-DV tăng 12-13%/năm.

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.