Kinh tế

Đà Nẵng gia nhập "đường đua" công nghiệp bán dẫn - Bài cuối: Tăng đào tạo nhân lực vi mạch chất lượng cao

08:03, 27/12/2023 (GMT+7)

Một trong những yếu tố quan trọng để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vi mạch trên địa bàn thành phố là nguồn nhân lực phục vụ vận hành doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo đang đẩy mạnh phối hợp với các đối tác cũng như doanh nghiệp để tăng lực lượng nhân lực vi mạch chất lượng cao.

Đại diện Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng) ký kết hợp tác với Viện Công nghệ thông tin (Đại học quốc gia Hà Nội) trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Ảnh: M.Q
Đại diện Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng) ký kết hợp tác với Viện Công nghệ thông tin (Đại học quốc gia Hà Nội) trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Ảnh: M.Q

Mở ngành học vi mạch

Cuối tháng 10-2023, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU, Đại học Đà Nẵng) công bố tuyển sinh trong lĩnh vực công nghệ vi mạch. Theo đó, từ năm 2024, VKU dự kiến tuyển sinh mới khoảng 500 chỉ tiêu ngành thiết kế vi mạch. Chương trình đào tạo gồm 160 tín chỉ với kiến thức cơ sở ngành, kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên ngành thiết kế vi mạch trong thời gian 4,5 năm. Đến năm 2028 trở đi sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Dự kiến quy mô đào tạo 5 năm đến, Trường VKU có hơn 2.000 kỹ sư vi mạch, cụ thể là 600 kỹ sư thiết kế vi mạch và 1.500 kỹ sư công nghệ kỹ thuật máy tính, điện tử, hệ thống nhúng, robotics.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường VKU, thông tin trong năm qua, VKU đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở ngành học trên cơ sở hợp tác với các đối tác ở Hàn Quốc. Bên cạnh ngành học trên, nhà trường có nhiều ngành đào tạo có các khối kiến thức liên quan đến công nghệ vi mạch như: kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và Internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin... Điểm tuyển sinh đầu vào của các chương trình trên rất cao (trên 25 điểm), kết hợp với môi trường làm việc, nghiên cứu và học tập tại VKU, sinh viên tốt nghiệp các ngành trên đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch. Nhà trường đang triển khai dự án Nâng cao năng lực giáo dục - đào tạo, quản trị và nghiên cứu giai đoạn 2022-2027 được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, trong đó phát triển chương trình đào tạo công nghệ vi mạch là một trong số các nội dung của dự án này. Cụ thể, dự án tài trợ xây dựng phòng thực hành - thí nghiệm, trang thiết bị đào tạo công nghệ vi mạch; các trường đại học ở Hàn Quốc sẽ hỗ trợ nhà trường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, phát triển cơ sở kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới nhất cho chương trình đào tạo.

Một cơ sở đào tạo khác là Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có 5 khoa đang đào tạo 7 ngành, chuyên ngành với gần 30 môn học có liên quan vi mạch trong các khung chương trình. Tổng số sinh viên tốt nghiệp từ các ngành chuyên ngành trên khoảng 500 sinh viên mỗi năm. Số lượng giảng viên giảng dạy các học phần liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn có 20 người, đặc biệt, có 1 phó giáo sư và 3 tiến sĩ nghiên cứu về mảng vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Bách Khoa có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty thiết kế vi mạch có văn phòng đặt tại miền Trung như Renesas, Synopsys, Synapse, Uniqify, Savarti… Hằng năm, nhà trường phối hợp với các công ty hướng dẫn đồ án tốt nghiệp giúp sinh viên sớm tiếp cận, giải quyết các vấn đề thực tế từ doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng tuyển dụng được sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, cho biết các chương trình được thiết kế bảo đảm trang bị cho người học các kiến thức cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành có thể đáp ứng yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp thiết kế vi mạch. Ngoài ra, các sinh viên học ngành gần với vi mạch có thể tham gia khóa đào tạo ngắn hạn (2-6 tháng) để làm việc trong lĩnh vực này. Đơn cử, qua các môn học cơ bản như cấu kiện điện tử, vật lý bán dẫn, thiết bị bán dẫn… sinh viên có thể nắm bắt các công nghệ khác nhau dùng để tạo nên vi mạch bán dẫn, đặc biệt tập trung vào bóng bán dẫn hiệu ứng trường MOS (MOS FET) là công nghệ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Để phục vụ đào tạo các học phần thực hành liên quan đến lĩnh vực vi mạch, nhà trường có các phòng thí nghiệm kỹ thuật vi điều khiển, điện tử công suất, hệ thống nhúng, công nghệ vật liệu, đo lường điện tử, đo lường chính xác, xưởng điện tử; phòng máy tính và máy tính hiệu năng cao.

Cần chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, để phát triển nhân lực lĩnh vực vi mạch, thành phố cần triển khai chương trình đào tạo về công nghệ vi mạch tuyển chọn như mô hình của Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm công nghệ cao hợp tác với Tập đoàn Synposys. Theo đó, giảng viên có điều kiện tiếp cận với phần mềm, thiết bị, quy trình thiết kế vi mạch thực tế tại doanh nghiệp; triển khai chương trình tăng tốc cho các sinh viên xuất sắc về thiết kế vi mạch, sẵn sàng ứng tuyển vào các vị trí làm việc về chế tạo vi mạch. Thành phố cần xây dựng chính sách, chủ động kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi mạch đến Đà Nẵng, đồng thời kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học tại Đà Nẵng. Thành phố có thể nghiên cứu xây dựng các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ khoa học, khởi nghiệp về vi mạch từ nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp và thành phố… Ngoài ra, thường xuyên tạo diễn đàn kết nối nhà trường - doanh nghiệp.

Trong khi đó, PGS.TS. Hà Đắc Bình, Hiệu trưởng Trường Công nghệ (Trường Đại học Duy Tân), đề xuất thành phố cần nhanh chóng triển khai đồng bộ chương trình giáo dục STEM từ kết hợp 4 lĩnh vực: khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học vào các trường phổ thông, giúp học sinh sớm định hướng nghề nghiệp. Thành phố chủ trì kết nối các đơn vị thiết kế vi mạch hàng đầu trong nước và quốc tế cùng các trường đại học trên địa bàn để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng của kỹ sư thiết kế vi mạch theo từng bậc lĩnh vực chuyên ngành; phương pháp xây dựng giáo trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng kỹ sư sau đào tạo; khả năng tham gia của các chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp. Song song đó, thành phố cần hỗ trợ các trường đại học trên địa bàn xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt nghiên cứu các công nghệ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp lần thứ 4, các giải pháp hỗ trợ đề án xây dựng thành phố thông minh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, thành phố cần có chính sách tạo thuận lợi để các trường đại học mời chuyên gia, nhà khoa học quốc tế hoặc Việt kiều đang làm việc tại các công ty nước ngoài về lĩnh vực vi mạch đến Việt Nam tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa làm việc dài hạn; hỗ trợ kinh phí đi lại, lưu trú. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là các doanh nghiệp không chỉ sản xuất đơn thuần mà có thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Các trung tâm R&D tuy không phải là nơi tạo ra nhiều giá trị thặng dư và cần thời gian dài để thấy được thành quả, nhưng đây là nơi để các kỹ sư của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có cơ hội tham gia sâu vào các khâu thiết kế, hiểu rõ hơn về công nghệ, đưa ra các ý tưởng mới, là nền tảng tạo nên đội ngũ chuyên gia bản địa.

Đội ngũ chuyên gia này có thể khởi nghiệp, tạo nên các sản phẩm “Made in Vietnam” trong tương lai. Do vậy, thành phố cần có chính sách hỗ trợ thuế, phí thuê mặt bằng thời gian dài để các công ty có thể yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, cần ràng buộc các trung tâm R&D phải có kết nối với các trường đại học về nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các trường trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu.

MAI QUẾ

.