Kinh tế
Chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được cải thiện hơn
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5-1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Với sự hồi phục dần của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng bền vững, thực chất và chất lượng hơn - đối với cả tổ chức, doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08, trong đó quy định về việc ngưng hiệu lực một số quy định của Nghị định 65 cũng như cho phép các doanh nghiệp đàm phán với các nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn, đảm bảo nguyên tắc lợi ích hài hòa, tự do chia sẻ. Nghị định 08 là một cái điểm sáng của pháp lý và có tác dụng rất lớn đến thị trường trái phiếu năm 2023.
Cùng với đó, Nghị định số 08 về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cũng là điểm sáng của thị trường trái phiếu trong năm 2023.
Điểm sáng thứ 2 là tổ chức thị trường: Tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã đưa thị trường trái phiếu riêng lẻ tập trung vào vận hành. Đến ngày 31/12, tổng giao dịch trái phiếu trên thị trường có tổ chức được 218.000 tỷ đồng với giá trị giao dịch bình quân phiên tương ứng 1.880 nghìn tỷ đồng/phiên, hiện có 887 mặt trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký trái phiếu đã được đăng ký và giao dịch trên thị trường tập trung này.
“Thị trường trái phiếu tập trung này đã góp phần cải thiện tính minh bạch cũng như tăng tính thanh khoản cho trái phiếu riêng lẻ này”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác giám sát kiểm tra, tuyên truyền, truyền thông, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra và giám sát; kiểm tra cả những doanh nghiệp vận hành và doanh nghiệp tư vấn.
Trong quá trình triển khai thực hiện thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường công tác truyền thông để xã hội, nhà đầu tư, cũng như nhà đầu tư phát hành, dịch vụ tư vấn hiểu hơn những quy định về phát luật liên quan đến thị trường trái phiếu này.
Năm 2023, có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 269,5 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đã bố trí nguồn lực thanh toán trái phiếu đến hạn và đàm phán với các nhà đầu tư khi tái cơ cấu, gia hạn trái phiếu nhằm giảm áp lực cả gốc và lãi trái phiếu.
Theo đó, năm 2023, khối lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn là 238 nghìn tỷ đồng và trái phiếu quá hạn là gần 40% cũng được các nhà phát hành cũng như chủ sở hữu tiến hành đàm phán và cơ cấu lại. Cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư tham gia vào thị trường sơ cấp mua trái phiếu trong năm 2023 chiếm đến 92,4%, và nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 7,6% thị trường trái phiếu sơ cấp. Đây là một sự thay đổi rất lớn về cách thức tiếp cận thị trường cũng như nhà tổ chức phát hành, nhà đầu tư.
Đối với thị trường cổ phiếu, về pháp lý, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các Bộ, ngành về sửa Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 156/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng như Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm hướng dẫn Luật chứng khoán có công cụ, khung khổ pháp lý để thực hiện.
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 69/2023/TT-BTC ngày 15-11-2023 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác nhằm quy định lại lộ trình, sắp xếp thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán tái sinh.
Cùng với đó, công tác tái cấu trúc thị trường, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành thanh lọc các công ty chứng khoán, quản lý các công ty yếu kém, không hiệu quả. Năm 2023, đã xử lý vi phạm đối với 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát và 2 công ty chứng khoán vào diện cảnh báo.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu về giao dịch, chuyển nhượng nhà đầu tư, kết nối dữ liệu nhà đầu tư với cơ sở dữ liệu trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý cũng như giám sát đối với thị trường chứng khoán.
Kết quả, chỉ số VN-Index đến 29/12 là 1.129 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2022, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt là 17.500 tỷ đồng một phiên và quy mô vốn hóa thị trường ước đạt 6.000.000 tỷ và tăng 9,5% so với năm 2022, tương đương vào khoảng 62% GDP năm 2022.
Thị trường chứng khoán phái sinh duy trì ổn định khối lượng giao dịch bình quân 263.000 hợp đồng/phiên. Số các nhà đầu tư mới, đăng ký mở mới trong năm 2023 là 355.000 tài khoản và đưa tổng tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay lên trên 7.000.000 tài khoản.
Năm 2024, Bộ Tài chính cam kết duy trì để thị trường vận hành một cách liên tục và an toàn, đó là tập trung và tiếp tục tập trung giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường chứng khoán.
Riêng về nâng hạng thị trường chứng khoán, ngay trong năm nay, Bộ Tài chính cùng với các Bộ, ngành liên quan sẽ chủ động triển khai một cách quyết liệt nhiều giải pháp khác nhau để sớm đạt được tiêu chuẩn về nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất; đề xuất các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng thị trường chứng khoán có quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán.
Theo Báo Tin tức