Kinh tế

Đà Nẵng đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực vi mạch

14:26, 26/01/2024 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 26-1, UBND thành phố tổ chức tọa đàm “Đà Nẵng và chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo”.

 
THỰC HIỆN: ĐÔNG HẢI
 
Lãnh đạo thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm. Ảnh: THU HÀ-HOÀNG HIỆP
Lãnh đạo thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm. Ảnh: THU HÀ-HOÀNG HIỆP

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố và doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong, ngoài nước tham dự tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, Đà Nẵng đã khởi động phát triển ngành vi mạch, bán dẫn từ tháng 10-2023 và ngày hôm nay (26-1), thành phố chính thức công bố thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC)

Đà Nẵng đang triển khai, thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HIỆP-THU HÀ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HIỆP-THU HÀ

Thành phố cũng đã báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng một nghị quyết đặc thù về phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến, trong đó, dự kiến sẽ có một chính sách về phát triển ngành vi mạch, bán dẫn để trình Quốc hội.

Do đó, các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ được thành phố tiếp thu và tranh thủ xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, các trường đại học để tổng hợp và đề xuất đưa vào nghị quyết đặc thù nhằm trình Quốc hội xem xét, cũng như trình HĐND thành phố xem xét để ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng bày tỏ mong muốn, thành phố tiếp tục nhận được sự đồng hành của các bộ, ngành, trung ương, các cấp, nhất là trong các hoạt động về hợp tác đào tạo, xúc tiến đầu tư... để Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương tiên phong, đi đầu trong công nghệ bán dẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (bìa trái) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HIỆP-THU HÀ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (bìa trái) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HIỆP-THU HÀ

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất về định hướng, thiết kế và lộ trình 3 giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Theo đó, trong ngắn hạn, thành phố tập trung vào hoạt động thiết kế, kiểm thử; trung hạn là thực hiện các công đoạn sản xuất; trong dài hạn là làm chủ một số công nghệ lõi, sản phẩm đi từ SoM (System on Module) đến SiP (System in Package) đến SoC (System on Chip) và bám sát xu hướng về tích hợp trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử, các công nghệ tính toán mới.

Thành phố xác định phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn lấy nhân lực là yếu tố quyết định; công tác đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới nguồn nhân lực với các chính sách cần tập trung tạo ra hệ sinh thái kết hợp giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp bao gồm: chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành vi mạch, trí tuệ nhân tạo; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch và trí tuệ nhân tạo; chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo; chính sách về hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự tham mưu cho lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo mà đặc biệt là thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC).

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, thành phố đang đề xuất Trung ương cho phép HĐND thành phố được sử dụng tài sản công là kết cấu hạ tầng thông tin để thu hút nhà đầu tư về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút các chuyên gia, việt kiều về làm việc, chuyển giao tri thức hình thành nhân lực như chính sách miễn thuế, thu nhập, chính sách ưu đãi về chỗ ở…; hỗ trợ đội ngũ giảng viên, kỹ sư, sinh viên; các chương trình hỗ trợ các trường đại học, cơ sở đào tạo tiếp cận công nghệ đầu tư, vận hành các hạ tầng phục vụ phát triển chip bán dẫn và vi mạch; nhóm chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư; chính sách về hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự tham mưu cho lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đề nghị Đà Nẵng tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, vi mạch bán dẫn cũng như sớm xây dựng và trình Quốc hội nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có chính sách đào tạo và phát triển nhân lực vi mạch, bán dẫn; chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi; chính sách thu hút chuyên gia cao cấp nước ngoài về làm việc tại Đà Nẵng, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ tạm trú cho các chuyên gia, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn.

Đồng thời đầu tư và hoàn thiện mô hình hoạt động của DSAC, trong đó, thành phố nghiên cứu xem xét một số nội dung như  đầu tư nguồn ngân sách cho đầu tư hạ tầng và thiết bị cho trung tâm; bố trí chi phí hoạt động thường xuyên. Về dài hạn cần hướng tới trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ nghiên cứu, đánh giá, kiểm thử, mô phỏng, sản xuất mẫu, sản xuất quy mô nhỏ và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các công ty khởi nghiệp, công ty thiết kế, công ty sản xuất và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo vi mạch bán dẫn,… hàng đầu trên cả nước; thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp, trường đại học thông qua các hình thức hợp đồng đào tạo 3 bên…

Ông Trịnh Thanh Lâm Giám đốc bộ phận kinh doanh của Tập đoàn Synopsys tại khu vực Việt Nam, Pakistan và Bangladesh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HIỆP - THU HÀ
Ông Trịnh Thanh Lâm Giám đốc bộ phận kinh doanh của Tập đoàn Synopsys tại khu vực Việt Nam, Pakistan và Bangladesh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HIỆP - THU HÀ

Chia sẻ về phát triển vi mạch và trí thuệ nhân tạo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc bộ phận kinh doanh của Tập đoàn Synopsys tại khu vực Việt Nam, Pakistan và Bangladesh đánh giá Đà Nẵng mới khởi đông từ tháng 10-2023, nhưng đã làm một số việc rất cụ thể, trong đó có việc thành lập DSAC.

Bên cạnh chức năng đào tạo, DSAC sẽ có thêm chức năng thu hút đầu tư và kết nối quốc tế. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã có Khu công viên phần mềm số 2, nơi hứa hẹn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp vào làm việc.

“Với quyết tâm lớn của lãnh đạo thành phố, Đà Nẵng đã chọn được đối tác chiến lược về phát triển ngành vi mạch, bán dẫn và đã làm được một số việc thực sự để xây dựng, phát triển ngành này”, ông Trịnh Thanh Lâm nhấn mạnh.

THU HÀ - HOÀNG HIỆP

 

.