Kinh tế
Phục hồi sử dụng đất nông nghiệp bỏ hoang
Trước tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không sản xuất, gây lãng phí, trong năm 2023, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Hòa Vang đã khôi phục sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tổng diện tích 13,39ha. UBND huyện cũng chỉ đạo các xã thực hiện trình tự thủ tục đấu giá và cho thuê quỹ đất nông nghiệp 5%, chọn các khu đất để đầu tư công viên và trồng cây xanh nhằm đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại 4, trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo và nông dân xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) phấn khởi trước những sọt bí oa-qua đầu tiên được thu hoạch trên đất nông nghiệp bị bỏ hoang vừa được khôi phục sản xuất. Ảnh: H.HIỆP |
Trong mùa mưa 2023, từ diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả và bị bỏ hoang nhiều năm tại cánh đồng 19 Tháng 8 (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), UBND xã Hòa Khương phối hợp với Hội Nông dân xã triển khai cải tạo 2ha đất, dồn điền đổi thửa để xuống giống bí oa-qua và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Hải đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Sau 40 ngày xuống giống, hiện các nông dân tham gia trồng bí oa-qua đã, đang thu hoạch với năng suất trung bình 2,2 tấn/ha và được tiêu thụ toàn bộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công bước đầu của mô hình này, Hội Nông dân xã Hòa Khương đang phát động phong trào “khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang” trong hội viên nông dân của xã và vận động nông dân thực hiện các giải pháp cải tạo, chuyển đổi cây trồng nhằm giảm tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương Trần Văn Mười cho hay, tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang tăng qua từng năm có nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi các dự án, quá trình đô thị hóa, thiếu lao động nông nghiệp, khó khăn về nguồn nước tưới... Trong mùa mưa năm nay, qua triển khai vận động hội viên nông dân phục hồi sản xuất trên đất nông nghiệp bỏ hoang, đến nay đã có 7,6ha đất nông nghiệp được khôi phục sản xuất, trong đó tại thôn Phú Sơn Nam là 5,1ha, thôn Phú Sơn 2 là 2,1ha, diện tích còn lại ở rải rác ở các thôn.
Thời gian đến, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phát động mỗi chi hội đăng ký vận động nông dân mỗi thôn khôi phục từ 1-2ha đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang. Đồng thời, tư vấn cho nông dân lựa chọn cây trồng phù hợp như lúa, sen, hoa súng kết hợp nuôi cá, ốc tự nhiên, vừa tạo cảnh quan vừa tăng thu nhập cho nông dân và góp phần nâng cao hiệu quả khai thác đất nông nghiệp.
Tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), cánh đồng Cô Hôn ở thôn Nam Mỹ có diện tích 4,15ha bị bỏ hoang nhiều năm ảnh hưởng đến dự án đường La Sơn - Túy Loan. Từ đề xuất của huyện, UBND thành phố và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã hỗ trợ vụ mùa và hỗ trợ 1 lần chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang đất trồng cây lâu năm để các hộ dân khôi phục sản xuất. UBND thành phố đã trích kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai để khắc phục tình trạng bồi lấp đất sản xuất và kênh mương ở cánh đồng Cao Đài (thôn Nam Yên) và An Định (thôn An Định) do lũ lớn và tổ chức sản xuất trở lại từ vụ đông xuân năm 2023-2024.
UBND huyện Hòa Vang cũng đã ban hành kế hoạch khôi phục sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả, không chủ động nước và do ảnh hưởng bởi các dự án. Trên cơ sở đó, năm 2023, huyện đã bố trí kinh phí để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 5ha tại các xã Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Bắc (chuyển đổi 2ha trồng mía sang trồng ổi tại xã Hòa Bắc; 1ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen tại xã Hòa Tiến; 2ha vườn tạp sang trồng ổi tại xã Hòa Sơn).
Đồng thời, khôi phục sản xuất trên diện tích 9,1ha tại các xã Hòa Khương, Hòa Sơn, Hòa Liên (2ha sản xuất lúa ở cánh đồng Khe, thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn; 3,6ha tại cánh đồng 2 Tháng 9 và Tám Tiếu ở thôn Phú Sơn 2, Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương; 3,5ha tại cánh đồng Tròn, thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên).
Các địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang đang chung tay trồng nhiều cây xanh để hình thành các công viên, vườn dạo trên các khu đất bị bỏ hoang. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Năm 2024, huyện tiếp tục rà soát các diện tích đất nông nghiệp bị người dân bỏ hoang, không sản xuất trên địa bàn huyện để vận động khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp. Bên cạnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và quỹ đất nông nghiệp 5% (đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, xây dựng các công trình công cộng của xã) do UBND 11 xã quản lý, UBND huyện cũng yêu cầu các xã rà soát, đề xuất phương án sử dụng quỹ đất 5% để đấu giá, cho thuê nhằm sử dụng quỹ đất này vào mục đích công ích.
Đồng thời, đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 để huyện hoàn thiện hồ sơ, trình UBND thành phố phê duyệt. Trên cơ sở đó, huyện sẽ hướng dẫn các xã lập hồ sơ, thực hiện thủ tục đấu giá, cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích tại địa phương.
Với mục tiêu phấn đấu đưa huyện Hòa Vang đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại 4 để trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất, việc tăng diện tích đất cây xanh đô thị là cần thiết đối với huyện. UBND huyện đã đề xuất thành phố danh mục đầu tư công trình cấp thiết để bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại 4, trong đó có đầu tư công viên cảnh quan khu vực Bàu Thị; công viên cây xanh tại khu đất cây xanh, thể dục thể thao xã Hòa Phong, Hòa Sơn…
Cùng với đó, huyện chủ động chỉ đạo các xã rà soát, chọn các khu đất do xã quản lý mà đang bỏ hoang, chưa sử dụng để đầu tư công viên và trồng cây xanh đô thị. Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho biết, huyện đã chỉ đạo UBND 11 xã rà soát, lập danh mục quỹ đất thuộc xã quản lý có diện tích từ 300-1.000m2 để đầu tư, xây dựng ít nhất mỗi xã có 1 công viên, vườn dạo trong năm 2024 từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, góp phần đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại 4, phấn đấu trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất.
HOÀNG HIỆP