10 năm Đà Nẵng ươm mầm khởi nghiệp

Bài cuối: Đà Nẵng cần làm gì để trở thành trung tâm khởi nghiệp?

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền thành phố cùng các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang xây dựng, kiến tạo, triển khai nhiều chương trình và giải pháp hỗ trợ.

Thành phố cần có nhiều hoạt động kết nối, hợp tác giữa khối giáo dục và doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: M.Q - V.H
Thành phố cần có nhiều hoạt động kết nối, hợp tác giữa khối giáo dục và doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: M.Q - V.H

Phát huy lợi thế, kết nối các nguồn lực

Qua 3 năm khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, ông Trần Đức Chấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục Quốc tế Pro Skills (quận Liên Chiểu), cho biết Đà Nẵng có nhiều cơ hội để khởi nghiệp đa dạng các ngành nghề với môi trường cạnh tranh không quá khốc liệt, chi phí cho lao động và sinh hoạt vừa phải. Thành phố cần quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng cho việc phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các chuyên gia tư vấn, định hướng chiến lược và định vị sản phẩm của startup ngay từ ban đầu. Như vậy, startup sẽ giảm thiểu rủi ro về thất thoát vốn, tăng thêm khả năng duy trì và phát triển chất lượng sản phẩm tốt hơn. Nếu Đà Nẵng khai thác hiệu quả các nguồn lực và lợi thế của địa phương thì sẽ thuận lợi hơn trong việc trở thành trung tâm khởi nghiệp, tạo điểm đến hấp dẫn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator), nhìn nhận đổi mới sáng tạo là nền tảng tri thức để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu suất lao động nên cần sự vào cuộc, chung tay của chính quyền thành phố, các tổ chức và doanh nghiệp. Thành phố cần có nhiều hoạt động kết nối, hợp tác giữa khối giáo dục và doanh nghiệp; mạnh dạn đầu tư và thu hút nguồn lực nhiều hơn, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở quy mô lớn hơn, tạo cơ hội để các tài năng khởi nghiệp bứt phá phát triển chất lượng. “Đà Nẵng cần các cơ chế đột phá hơn về hạ tầng như không gian làm việc, thu hút tài năng quốc tế, đưa startup ra quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các tập đoàn đầu tư; thúc đẩy phát triển và xây dựng các cơ chế cho tài sản trí tuệ, tài sản số để phát triển và hội nhập toàn cầu”, ông Quân đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Quản lý Chương trình Swiss EP tại Đà Nẵng (Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ), để trở thành trung tâm khởi nghiệp mang tầm quốc gia, thành phố cần có chính sách tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào thành phố, tạo điều kiện cho các startup tiếp cận vốn vay ưu đãi; phát triển các dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu cho startup, tăng cường kết nối giữa các thành tố trong hệ sinh thái; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho các startup; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, thu hút các startup trong nước và quốc tế đến thành phố khởi nghiệp và phát triển.

TS. Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Duy Tân, cho rằng đột phá về thể chế và vốn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những vấn đề mà Đà Nẵng cần quan tâm để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia. Thành phố cũng cần nghiên cứu, triển khai các khung thử nghiệm pháp lý (sandbox) cho các lĩnh vực kinh doanh công nghệ mới hay áp dụng mô hình đổi mới sáng tạo mở để thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp startup, tạo nên thị trường lao động công nghệ cao và giúp thúc đẩy nâng cao nhận thức của người học trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Đà Nẵng cần tập trung huy động nguồn lực ươm tạo có trọng điểm đối với các dự án khởi nghiệp tiềm năng trở thành “kỳ lân”, sử dụng chính các dự án thành công này làm đòn bẩy thúc đẩy nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức quốc tế cho thành phố; tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn quốc tế để hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học”, TS. Hải nói.

Tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ

Để góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định về danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, trong đó mở rộng đối tượng ưu tiên đối với các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, các không gian làm việc chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm này được áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi trung và dài hạn theo quy định hiện hành là 7%/năm.

“Thời gian qua, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tiếp cận nguồn vốn vay tại Quỹ Đầu tư phát triển để đầu tư dự án xây dựng không gian làm việc chung. Quỹ Đầu tư phát triển tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế cho vay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư không gian làm việc chung. Quỹ tăng cường làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, mở rộng nguồn vốn hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn”, ông Vinh cho biết.

Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cho biết ngoài việc tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay, sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trình Quốc hội, một số chính sách đang được sở đề xuất như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi không gian đổi mới sáng tạo, hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố chi phí ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố; khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), cho hay bộ tiếp tục triển khai việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã góp ý các dự thảo đề cương, đề án của thành phố liên quan tới phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo”.

Bộ KH&CN cũng kiến nghị Đà Nẵng sớm phát hiện, đào tạo những nhân tố tích cực, tiên phong tham gia mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm để làm cơ sở cho nhân rộng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương; định kỳ tổ chức sự kiện kết nối khai thác nguồn lực giữa các địa phương trong vùng và kết nối vùng với quốc gia và quốc tế.

Thành lập 69 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo Sở KH&CN, tính đến đầu năm 2024, thông qua các chương trình hỗ trợ của thành phố và các chương trình ươm tạo, tăng tốc của các vườn ươm trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng đã phát triển được 169 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo  thương mại hóa được sản phẩm; thành lập 69 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 73 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng số kinh phí hỗ trợ 8,3 tỷ đồng.

VĂN HOÀNG - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.