Kinh tế
Thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn
Thành phố Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị nguồn lực để phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trong đó tập trung củng cố cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách, qua đó tạo đột phá tăng trưởng mới từ ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Đại diện DSAC và Tập đoàn Intel trao bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình Intel cho nguồn nhân lực tương lai tại thành phố tại sự kiện “Meet Da Nang 2024” vào ngày 26-1. Ảnh: M.Q |
Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động, trong đó có khoảng 7 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực vi mạch bán dẫn với 550 kỹ sư vi mạch bán dẫn. Một số công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… Đà Nẵng đang xây dựng chính sác thu hút các sinh viên tham gia ngành học vi mạch, bán dẫn cũng như khuyến khích các sinh viên, kỹ sư đã tốt nghiệp các nhóm ngành gần tham gia học ngành vi mạch, bán dẫn. Các trường đại học trên địa bàn thành phố đã và đang xây dựng chương trình đào tạo, khoa đào tạo ngành vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) công bố mở chương trình đào tạo “Vi điện tử - Thiết kế vi mạch” và dự kiến tuyển sinh vào năm 2024 với 60 chỉ tiêu vào giữa tháng 3-2024. Chương trình đào tạo đã được Khoa Điện tử - Viễn thông thuộc trường thiết kế và xây dựng để cung cấp cho sinh viên nền tảng toàn diện về lý thuyết cũng như thực hành trong quy trình thiết kế vi mạch. Hiện Khoa Điện tử - Viễn thông có 5 phòng thí nghiệm và 1 xưởng điện tử, phần mềm Cadence phục vụ các môn học lĩnh vực Vi điện tử - Thiết kế vi mạch. Trước đó vào cuối năm 2023, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn công bố mở mới chuyên ngành Thiết kế vi mạch, bán dẫn với 40 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024, đồng thời trường dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á cho biết, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của công ty. Trong giai đoạn 2020-2022, Synopsys Việt Nam đã mở rộng lên 4 văn phòng tại hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư làm việc. Riêng tại Đà Nẵng, nguồn nhân lực tăng rất nhanh qua các năm cho thấy tiềm năng phát triển của thành phố về lĩnh vực công nghiệp vi mạch, bán dẫn. Sypnosys đã và đang tư vấn, phối hợp với thành phố về hướng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch, bán dẫn và gặp gỡ với nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố để có chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế cho ngành này.
Tín hiệu tích cực là thành phố đã thành lập Trung tâm DSAC vào ngày 26-1 vừa qua. Trung tâm có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Cũng trong ngày 26-1, tại sự kiện “Meet Da Nang 2024”, đại diện DSAC và Tập đoàn Synopsys International Limited trao bản ghi nhớ về hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn; DSAC và Tập đoàn Intel trao bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình Intel® cho nguồn nhân lực tương lai tại thành phố Đà Nẵng. Dự kiến trong năm nay, DSAC sẽ phối hợp với Tập đoàn Intel tổ chức các lớp đào tạo giảng viên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, về cơ sở hạ tầng, thành phố hiện có 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và 3 khu công nghệ thông tin (CNTT), công viên phần mềm đang hoạt động (Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu phức hợp FPT, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1). Khu Công viên phần mềm số 2 đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến đưa vào vận hành trong quý 3-2024 và được kỳ vọng là hạ tầng quan trọng phục vụ cho lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn. Về cơ chế chính sách, công nghiệp vi mạch, bán dẫn thuộc ngành công nghệ cao, do đó đầu tư lĩnh vực này sẽ được hưởng các cơ chế như ngành nghề công nghệ cao khác theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, thành phố đang đề xuất các cơ chế hỗ trợ thu hút chuyên gia, người dạy, người học, chính sách về sử dụng cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Ngày 8-3-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 460/QĐ-UBND về thành lập 2 tổ triển khai đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” gồm: Tổ công tác và Tổ tư vấn. Theo đó, Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh. UBND thành phố mời TS. Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) làm Tổ trưởng Tổ tư vấn. Hai tổ có nhiệm vụ tổ chức triển khai; tư vấn, phản biện đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” và các chính sách liên quan. |
MAI QUẾ