Kinh tế
Phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm
Trước diễn biến nguy hiểm của dịch cúm A/H5N1 tại một số địa phương trên cả nước, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn thành phố tập trung triển khai phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa sẽ thuận lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát triển, do đó việc chủ động phòng bệnh là rất cần thiết.
Thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa có nhiều thay đổi sẽ làm lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát triển. TRONG ẢNH: Thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 chăm sóc đàn vịt. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Người chăn nuôi ý thức phòng dịch
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) có 18 thành viên đang chăn nuôi gà và vịt với số lượng hơn 2.500 con. Trong đó, gà Kê Sơn của HTX là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao của thành phố. Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX, cho hay: “Hiện tại, tất cả các hộ thành viên đã hoàn thành việc tiêm phòng vắc-xin. Chúng tôi luôn chú trọng đến việc bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh trong chăn nuôi nhằm giữ vững uy tín về chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường. HTX thường xuyên thông tin, thông báo và hướng dẫn quy trình tiêm vắc-xin trên gia cầm đến các hộ thành viên để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra. Chúng tôi cũng phối hợp các cơ quan chức năng phổ biến kiến thức cho thành viên thông qua các cuộc họp, lớp tập huấn nhằm chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh”.
Trong khi đó, gần 20 năm chăn nuôi gia súc và gia cầm, ông Phan Nghĩa (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cho biết ông luôn thức về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa dịch bệnh. “Giờ tôi đang nuôi 400 con gà thả vườn nên thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gà nhằm kịp thời phát hiện các bệnh thông thường và dịch bệnh nguy hiểm; đồng thời tích trữ đủ thuốc, vắc-xin phòng bệnh.
Cũng gần 10 năm nay chưa xảy ra dịch cúm
A/H5N1 ở đây nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi vì nó có nguy cơ lây sang người. Tôi vừa tiêm phòng xong cho đàn gà và phun thuốc khử trùng khu vực nuôi với quy trình chặt chẽ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Việc chủ động phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng, bởi nếu không chữa trị kịp thời thì sẽ lây lan nhanh chóng ra cả đàn và gây thiệt hại rất nặng nề”, ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), cho biết địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch; chủ động giám sát đàn gia cầm để kịp thời phát hiện gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Xã đang tổ chức tiêm phòng vắc-xin trên 16.700 con gia cầm và bố trí lực lượng tham gia vào các tổ tiêm phòng nhằm đôn đốc, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đúng theo thời gian quy định.
Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp
Là địa phương có số lượng gia cầm lớn, huyện Hòa Vang sớm xây dựng các biện pháp nhằm sớm ngăn chặn và khống chế dịch cúm gia cầm chủng độc lực cao, góp phần phát triển chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong công tác tiêm phòng, huyện phấn đấu tiêm đạt tỷ lệ từ 80% trở lên so với tổng đàn gia cầm thuộc diện tiêm và duy trì thực hiện vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh thông tin, địa phương đã chỉ đạo UBND 11 xã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời.
Các đơn vị chức năng tăng tần suất thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, ít nhất 3 lần/tuần với các khu mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống tại các chợ trên địa bàn huyện. Mặt khác, quản lý chặt chẽ đối với các tiểu thương kinh doanh gia cầm sống tại các chợ Miếu Bông, Lệ Trạch và Túy Loan; đặc biệt thường xuyên kiểm tra các tiểu thương nhập gia cầm từ các tỉnh khác về bán tại chợ Miếu Bông, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch và lây lan cao.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, hiện nay tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, chưa xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chi cục đang tích cực triển khai tiêm phòng theo vắc-xin cúm gia cầm đợt 1-2024 trên địa bàn huyện Hòa Vang và các phường của quận Liên Chiểu; tính đến ngày 27-3 đã tiêm phòng được 136.197 con gia cầm. Bên cạnh đó, chi cục đang phối hợp cùng UBND các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang tuyên truyền phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 đến người chăn nuôi bằng hình thức phát tờ rơi (A3), tờ tuyên truyền (A0) và trên các trang thông tin điện tử, đài phát thanh huyện, xã.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Văn Mỹ, để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm; phòng, chống dịch bệnh xâm nhiễm và lây lan trên địa bàn thành phố, sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1-2024 (từ ngày 1 đến 31-3-2024) đến các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn thành phố tại hai trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Hòa Phước và Kim Liên; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, trái phép ra, vào thành phố. Ngoài ra, các đơn vị chú trọng thực hiện giám sát, chủ động lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi-rút cúm gia cầm.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, tổng đàn gia cầm trên địa bàn thành phố tại thời điểm tháng 2-2024 có 511.090 con gia cầm. Trong đó, gồm 147.417 con gà, 23.673 con vịt ngan ngỗng, 340.000 con chim cút. Hoạt động chăn nuôi chủ yếu diễn ra trên địa bàn huyện Hòa Vang với quy mô nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ; trang trại quy mô nhỏ và vừa. |
TRẦN TRÚC