Kinh tế
Tạo động lực phát triển mạnh mẽ
Đồ án Quy hoạch phân khu sân bay, tỷ lệ 1/2.000 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 1-3-2024 xác định đây là khu vực có chức năng chuyên biệt, là đầu mối giao thông quan trọng của thành phố, gắn với phát triển “Đô thị sân bay”.
Phân khu sân bay được lập quy hoạch có diện tích 1.326,7ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 77.000 người; gồm một phần diện tích các quận Hải Châu, Thanh Khê và Cẩm Lệ; được giới hạn bởi các tuyến đường Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ (phía đông), đường Trường Chinh (phía tây), đường Điện Biên Phủ (phía bắc) và đường Cách mạng Tháng Tám (phía nam).
Vùng quy hoạch phân khu đô thị sân bay nhìn từ hướng ngã ba Huế. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Định hình “Đô thị sân bay”
Theo quy hoạch, phân khu sân bay được chia thành 2 khu vực chính, gồm: khu vực xây dựng đô thị và khu vực cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, tổ chức thành 4 khu vực phát triển với 4 đơn vị ở. Trong đó, khu vực cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gồm khu vực 1 với định hướng phát triển theo đồ án Quy hoạch điều chỉnh cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đối với khu vực xây dựng đô thị, được tổ chức thành 3 khu vực phát triển gồm 4 đơn vị ở với diện tích 478,58ha và dân số 77.000 người (trong đó dân số vãng lai là 7.000 người).
Theo đó, 3 khu vực phát triển được xác định về diện tích, dân số và định hướng phát triển, bao gồm: khu vực 2 là khu vực cửa ngõ sân bay phía đông (đơn vị ở ĐVO-2) có diện tích 89,46ha và dân số 18.300 người; với định hướng phát triển công cộng, thương mại dịch vụ, phát triển các khu vực miễn thuế, vừa đáp ứng cho nhu cầu của hành khách sân bay vừa đáp ứng cho người dân thành phố Đà Nẵng nói chung, từ đó dần dần hình thành mô hình “Đô thị sân bay”.
Khu vực 3 là khu đô thị phía nam (đơn vị ở ĐVO-1) có diện tích 140,20ha và dân số 19.500 người, được định hướng khu vực chỉnh trang đô thị, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị. Khu vực 4 là khu đô thị phía tây bắc (đơn vị ở ĐVO-3 và đơn vị ở ĐVO-4) có diện tích 248,92ha và dân số 39.200 người, định hướng làm khu vực chỉnh trang đô thị, nâng cấp bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu của người dân.
Quy hoạch cũng đề cập đến không gian mở được thiết kế trên nguyên tắc khai thác, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, hài hòa với không gian kiến trúc công trình và phù hợp với chức năng sử dụng đất. Trong đó, điểm nhấn của không gian mở là cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng - điểm tiếp cận chính vào thành phố bằng đường hàng không.
Mặt khác, để định hướng, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, tạo nét đặc trưng và nhận diện cho khu vực; quy hoạch xác định các điểm nhấn là những khu vực gồm: nhà ga Cảng hàng không quốc tế được định hướng là công trình kiến trúc độc đáo, mang tính biểu tượng; các không gian xanh, mặt nước như công viên kết hợp thể dục thể thao nam sân bay, công viên Hòa Thọ, chuỗi công viên kênh Phần Lăng kết hợp Trung tâm thể dục - thể thao Thanh Khê, chuỗi công viên hồ điều tiết Cẩm Lệ.
Theo đồ án Quy hoạch phân khu sân bay, thành phố phát triển trung tâm logistics hàng không thông qua mở rộng thành một cụm phía nam sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Định hướng quan trọng để phát triển
Theo Sở Xây dựng, Quy hoạch phân khu sân bay nhằm cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021. Chính vì vậy, các định hướng phát triển chính của phân khu sân bay cũng được xác định theo quy hoạch chung thành phố.
Theo đó, định hướng đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị; từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung và chuyển đổi chức năng những khu đất này thành đất phục vụ phát triển đô thị; khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển trung tâm logistics hàng không thông qua mở rộng thành một cụm phía nam sân bay quốc tế Đà Nẵng để mở rộng năng lực logistics của sân bay. Mặt khác, định hướng tăng cường việc sử dụng không gian ngầm nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất khu vực trung tâm thành phố, bảo vệ môi trường cũng như các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.
Theo đánh giá từ Sở Xây dựng, quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu sân bay có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của khu vực nói riêng và thành phố nói chung. Qua đó sẽ giúp khớp nối đồng bộ các quy hoạch, dự án, phát triển không gian đô thị hài hòa giữa hiện trạng và khu vực đề xuất xây dựng mới; đặc biệt là tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế khu vực về dịch vụ, trở thành trung tâm công cộng tại Đà Nẵng.
Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai cũng như cân đối lợi ích kinh tế của cộng đồng, nhân dân, địa phương và các đơn vị, tổ chức có liên quan trong khu vực quy hoạch, phù hợp với quy định hiện hành. Cùng với đó, Quy hoạch phân khu sân bay còn làm cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý quy hoạch và hướng dẫn đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật giúp bảo đảm đô thị phát triển theo đúng định hướng của thành phố.
TRẦN TRÚC