Kinh tế
Khôi phục đất nông nghiệp bỏ hoang
Trước tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, gây lãng phí, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang đã khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản nước ngọt. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, góp phần tạo cảnh quan và tăng thu nhập của người dân.
Ngành nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang. TRONG ẢNH: Nông dân huyện Hòa Vang thu hoạch lúa. Ảnh: X.D |
Qua rà soát sơ bộ, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) có khoảng 70ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm do ảnh hưởng dự án, lao động lớn tuổi, chuột cắn phá hoặc khó khăn về nguồn nước. Trước tình trạng này, UBND xã phối hợp Hội Nông dân và các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn triển khai mô hình dân vận khéo “Khôi phục đất bỏ hoang” phục vụ nguyên liệu làm bánh, bánh tráng theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Trong vụ hè thu 2023, địa phương đã khôi phục và tái sản xuất khoảng 5ha đất nông nghiệp bỏ hoang để trồng lúa, thu hoạch khoảng 50 tạ/ha.
Ông Nguyễn Sỹ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 cho biết, mùa đầu tiên ruộng mới phục hóa nên năng suất chưa cao, chi phí cải tạo cũng tốn kém hơn. Bước sang mùa thứ hai (vụ đông xuân 2023-2024), địa phương và 2 HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cùng chung tay khôi phục 22ha đất bỏ hoang để trồng lúa nước, trong đó có 2ha nếp hương, chuẩn bị thu hoạch, dự kiến năng suất 55-58 tạ/ha. “Bước đầu triển khai, mô hình mang lại hiệu quả cao, tránh được sự lãng phí khi bỏ hoang đất nông nghiệp và góp phần tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Sỹ chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong Bùi Dũng, để thực hiện mô hình dân vận khéo “Khôi phục đất bỏ hoang”, Hội Nông dân xã khảo sát hiện trạng sản xuất đất lúa, đất màu tại xứ đồng các thôn: Thạch Bồ, Cẩm Toại Đông, Cẩm Toại Tây, Khương Mỹ, Túy Loan Tây và Bồ Bản và họp các hộ nông dân lấy ý kiến. Sau khi các hộ nông dân thống nhất, hội thành lập tổ sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang và tuyên truyền vận động nhân dân tập trung sản xuất, bảo đảm lương thực.
Trong 36 tháng thực hiện mô hình, hội sẽ đánh giá tính hiệu quả kinh tế so với cùng diện tích đất đang sản xuất bình thường. Từ đó, có phương án khai thác tối ưu diện tích đất nông nghiệp bị hoang hóa còn lại trên địa bàn. Dự kiến, ngoài trồng lúa nước, nếp hương, địa phương cũng sẽ trồng thêm đậu phộng, bắp, kết hợp nuôi trồng một số loại thủy sản nước ngọt như cá, ốc tự nhiên.
“Việc chọn giống cây trồng phải phù hợp với điều kiện tại các vùng đất bị ngập úng thường xuyên, bị bỏ hoang nhiều năm. Mục tiêu của mô hình là phát huy tối đa diện tích đất sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm và nguồn nguyên liệu tại chỗ cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương”, ông Dũng bày tỏ.
Công tác khôi phục đất nông nghiệp bị bỏ hoang được Huyện ủy Hòa Vang giao Hội Nông dân huyện và các xã thực hiện từ năm 2024 với chỉ tiêu khôi phục ít nhất 2ha/xã/năm. Tuy nhiên, từ năm 2021, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) đã tiên phong thực hiện công tác này và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến Đặng Văn Quang cho biết, xã có khoảng 20ha đất nông nghiệp trồng lúa bị bỏ hoang, nằm rải rác trên cánh đồng ở các thôn trên địa bàn.
Trước tình trạng trên, địa phương đã vận động, kêu gọi các hộ tiếp nhận những diện tích bỏ hoang trên địa bàn để tái sản xuất, tránh bỏ hoang đất nông nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, xã đã khôi phục sản xuất được trên 15ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, trong đó gần 10ha trồng lúa và 5ha trồng sen, súng, nuôi ốc tự nhiên. “Hai năm trở lại đây thời tiết thuận lợi, nông dân được mùa, sản lượng lúa thu hoạch trên đất khôi phục hoang hóa khoảng 70 tạ/ha. Vui hơn là cuối năm 2023, sản phẩm gạo Hòa Tiến được UBND huyện Hòa Vang công nhận OCOP 3 sao. Ngoài ra, việc khôi phục sản xuất trên đất nông nghiệp bỏ hoang cũng góp phần nâng cao cảnh quan và phát triển kinh tế địa phương”, ông Quang cho hay.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân, khôi phục đất bỏ hoang là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của hội trong năm 2024. Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân các xã triển khai khôi phục ít nhất 2ha đất bỏ hoang mỗi năm. Trong đó, tinh thần là những cánh đồng lúa có nước sẽ khôi phục sản xuất lúa trở lại; những cánh đồng lúa không thể khôi phục sản xuất lúa thì chuyển đổi qua nuôi trồng thủy sản, cá nước ngọt, ốc bươu đen và trồng sen, súng.
Còn những diện tích đất bị bỏ hoang liên quan đến dự án và không nằm dưới ruộng, Hội Nông dân các xã vận động nông dân trồng các loại cây như: bưởi, chuối, mít và một số cây ăn quả hợp với đất đai Hòa Vang. “Toàn huyện hiện có khoảng 200ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đề xuất HĐND, UBND huyện bố trí kinh phí hỗ trợ, kịp thời khôi phục đất nông nghiệp bỏ hoang còn lại trên địa bàn. Qua đó, tránh lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới và góp phần gìn giữ vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống người dân”, ông Vân nói.
THIÊN DUYÊN