Kinh tế
Kinh tế số khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong tầm nhìn mới
ĐNO - Sáng 24-4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, Báo Tiền Phong phối hợp UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tổ chức hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Kinh tế số giúp liên kết vùng vững chắc
Theo số liệu thống kê năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi số của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực như Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.
Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023.
Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Thời gian qua, nhiều tỉnh/thành phố trong khu vực đã quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Kinh tế số đã đạt được nhiều bước phát triển.
Nhiều tỉnh/thành phố trong khu vực đã đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh DTI năm 2022 như: Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chuyển đổi số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa đồng đều, còn khoảng cách xa giữa Đà Nẵng và các địa phương khác trong vùng.
Đà Nẵng - Hệ sinh thái du lịch thông minh từ chuyển đổi số
Tại hội thảo, bà Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng) cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật và sớm phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh, hồi phục và phát triển bền vững hơn.
Cụ thể, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, trong đó ngành du lịch đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số với việc đã thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 100%.
Sở Du lịch tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thông qua các hoạt động như: ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành du lịch đến năm 2025, định hướng đến 2030; tổ chức các chương trình tập huấn chuyên sâu vào cách thức triển khai chuyển đổi số tại các doanh nghiệp du lịch, tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch như: triển khai áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng thẻ vé điện tử; các mô hình thuyết minh thông qua mã QR Code;
Các ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường VR/AR,… các điểm tham quan, thắng cảnh của khu điểm để tăng thêm trải nghiệm, tiện ích cho du khách góp phần giới thiệu hình ảnh, vẻ đẹp của thành phố đến với du khách trong và ngoài nước...
Sở Du lịch đưa vào hoạt động các ứng dụng để xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ và hỗ trợ du khách khi đến tham quan Đà Nẵng: Chatbot, Cổng thông tin Du lịch, Ứng dụng du lịch Danang Fantasticity, hội chợ trực tuyến, hệ thống du lịch ảo “Một chạm đến Đà Nẵng”; thí điểm thẻ du lịch thông minh và thanh toán trực tuyến để quảng bá hình ảnh điểm đến Đà Nẵng, cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách đến tham quan du lịch Đà Nẵng.
Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dịch vụ để tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh.
Các video cung cấp chế độ xem 360 độ về không gian của khách sạn và nhà hàng cùng với các cảnh quan khác, sử dụng các ứng dụng phòng thông minh trong phòng lưu trú…và liên kết với các trang thông tin du lịch có uy tín và kênh mạng xã hội để quảng bá xúc tiến du lịch Đà Nẵng. Tổ chức hội nghị trực tuyến trên nền tảng web để giới thiệu du lịch Đà Nẵng đến với thị trường quốc tế.
Với việc khai triển khai tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đã góp phần đưa thương hiệu du lịch và sức hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng tiếp tục được minh chứng thông qua nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín về du lịch cùng với sự yêu thích lựa chọn của du khách: Top điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022 do trang Trip Advisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) bình chọn và xếp thứ 3 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á năm 2022;
Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024 (theo Tạp chí du lịch Mỹ CnTraveller), Điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong hè 2023 (trang Booking.com thống kê), Điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức du lịch MICE (theo trang MICENET của Úc), Điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ (theo trang Skyscanner tại Ấn Độ), đứng thứ 2 trong số điểm đến "du mục kỹ thuật số" (digital nomad) phát triển nhanh nhất thế giới (theo Tạp chí du lịch Outlook Traveller);
Biển Mỹ Khê được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất Châu Á do trang Tripadvisor công bố; thời báo NZ Herald News của New Zealand xếp hạng bãi biển Đà Nẵng là một trong những địa điểm lý tưởng trong kỳ nghỉ mát vào mùa hè...
P.V