Kinh tế

Sinh viên hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu sản phẩm

07:00, 08/04/2024 (GMT+7)

Từ kiến thức trên giảng đường, sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, nhất là sản phẩm của làng nghề truyền thống.

Thương hiệu bánh khô mè bà Liễu Mẹ được các sinh viên Trường Đại học Kinh tế trình diễn ấn tượng tại Cuộc thi Branding Contest do khoa Marketing tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ
Thương hiệu bánh khô mè bà Liễu Mẹ được các sinh viên Trường Đại học Kinh tế trình diễn ấn tượng tại Cuộc thi Branding Contest do khoa Marketing tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ

Mới đây, nhóm sinh viên năm thứ 4, khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế đã chọn đề tài Phát triển thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho môn học Quản trị thương hiệu. Trải qua thời gian tiếp cận, tìm hiểu thực tiễn hoạt động của cơ sở sản xuất tại phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), điều tra khách hàng…nhóm đã có những đánh giá, phân tích tỉ mỉ và lập kế hoạch định vị, phát triển thương hiệu sản phẩm. 

Trần Hoàng Cát Tiên, trưởng nhóm chia sẻ, bánh khô mè Bà Liễu Mẹ có thương hiệu hơn 200 năm, được lưu truyền và gìn giữ, gắn liền với câu chuyện tần tảo của những người dân, nên sản phẩm có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Theo khảo sát của nhóm, tỷ lệ người tiêu dùng biết bánh khô mè Bà Liễu Mẹ trong tổng số người biết bánh khô mè đạt 96%; 56,1% khách hàng biết bánh khô mè là đặc sản Đà Nẵng; 83,3% khách hàng sẵn lòng, rất sẵn lòng giới thiệu sản phẩm này đến người thân, bạn bè…

Thời gian qua, doanh nghiệp đầu tư website trình bày ấn tượng, nội dung thu hút, sử dụng hình thức công cụ PR, khuyến mãi. Tuy nhiên, fanpage của doanh nghiệp chưa có sự đầu tư nhiều, chiến lược tiếp thị (promotion) chưa thật sự mạnh mẽ, các cửa hàng chưa được tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO map) đầy đủ; chưa có sự gắn kết với đối tượng khách hàng trẻ…

“Ngày nay, lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều. Hình thức bán hàng đang đổi mới như livestream trên các nền tảng TikTok, Facebook... Do đó, nhóm đã xây dựng chiến lược marketing nhằm gia tăng nhận thức về sản phẩm cho khách du lịch khi đến Đà Nẵng, cũng như tạo ra liên tưởng thương hiệu đúng đắn cho người dân Đà Nẵng và khách du lịch nội địa đối với sản phẩm. Chúng em hy vọng qua những kế hoạch định vị, và kế hoạch truyền thông của mình, doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm này đến nhiều hơn đến khách hàng, góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống của quê hương”, Cát Tiên bày tỏ.

Cùng với phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, sinh viên Trường Đại học Kinh tế còn hỗ trợ người dân bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm. Trong đó, có 4 sản phẩm của huyện Hòa Vang gồm nấm bào ngư AC Food, rượu Đông trùng hạ thảo, bánh khô mè Bà Nghi và ổi hữu cơ Hòa Bắc. Mẫu logo, nhãn mác và bao bì được sinh viên hỗ trợ thiết kế có tính sáng tạo giúp sản phẩm trở nên hấp dẫn, sang trọng và chuyên nghiệp hơn.

Theo Tiến sĩ Trương Đình Quốc Bảo, giảng viên khoa Marketing, nhà trường luôn quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích sinh viên đem kiến thức đã học ứng dụng vào giải quyết các vấn đề cấp thiết, mang hơi thở cuộc sống. Đối với khoa Marketing, hằng năm tổ chức cuộc thi trong khuôn khổ môn học Quản trị thương hiệu dành riêng cho sinh viên.

Đến với cuộc thi, các đội tự do lựa chọn 20 doanh nghiệp tiềm năng đang gặp những thách thức về xây dựng thương hiệu. Với sự hỗ trợ từ các giảng viên và chuyên gia, các nhóm làm việc với doanh nghiệp mình lựa chọn và có 4 tháng để nghiên cứu, đề xuất giải pháp và triển khai các hoạt động marketing như thiết kế poster, phân tích và phát triển thương hiệu gốc nhằm giúp doanh nghiệp phát huy cá tính riêng, tạo dấu ấn trên thị trường.

Cuộc thi không dừng ở kết quả xếp hạng, mà ở đây sinh viên phát huy tối đa sức sáng tạo để xây dựng những giải pháp marketing độc đáo, góp phần định hình thương hiệu hoàn thiện hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố. Qua 8 lần tổ chức, hơn 100 kế hoạch xây dựng thương hiệu đã ra đời đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

“Việc sinh viên chung tay cùng người dân làm thương hiệu sản phẩm còn đem đến cho chính những người chủ của các sản phẩm này một góc nhìn mới mẻ. Từ đó, quan tâm hơn đến giá trị thương hiệu để tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu khách hàng, vừa quảng bá văn hóa, du lịch địa phương”, Tiến sĩ Quốc Bảo cho biết.

NGỌC HÀ

.