Thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên

.

Hiện các trường đại học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục đầu tư vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, qua đó trợ lực cho sinh viên trên chặng đường khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường.

Sinh viên học tập, nghiên cứu tại Không gian đổi mới sáng tạo DUT Maker Innovation Space của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: M.Q
Sinh viên học tập, nghiên cứu tại Không gian đổi mới sáng tạo DUT Maker Innovation Space của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: M.Q

Đi vào hoạt động từ tháng 2-2024, Không gian đổi mới sáng tạo DUT Maker Innovation Space của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) mở cửa cho giảng viên, sinh viên, học sinh có nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm và hiện thực hóa các ý tưởng khoa học. Đây cũng là nơi mà doanh nghiệp đến tham quan, tìm hiểu về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của giảng viên và sinh viên nhà trường, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa nhà trường và các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nguyễn Đức Huy, sinh viên năm 1 chuyên ngành Sản xuất tự động - ngành Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa chia sẻ, em thường xuyên đến DUT Maker Innovation Space bởi có chỗ học tập với các trang thiết bị hiện đại. Tại đây, sinh viên có thể trao đổi các ý tưởng, gặp gỡ những người chung đam mê và sẽ có những dự án khởi nghiệp ra đời trong tương lai.

Theo PGS.TS. Tào Quang Bảng, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa, việc đầu tư cơ sở vật chất là một trong những hoạt động được nhà trường thực hiện hằng năm để thúc đẩy khởi nghiệp; song song đó là nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương thức dạy học. Trong học kỳ 1 năm học 2023-2024, trường đã triển khai 302 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học với sự tham gia của hơn 900 sinh viên đến từ nhiều khóa học khác nhau; độ tuổi sinh viên tham gia ngày càng trẻ hơn với nhiều sinh viên năm thứ 3 và thứ 2.

Phần lớn sản phẩm của các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp cùng với các đề tài có hàm lượng khoa học giúp cho các sinh viên thỏa mãn niềm vui sáng tạo của mình. Dẫn chứng là sinh viên của trường vừa đạt 1 giải Nhất và 1 giải Nhì tại cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ, cũng như nhiều giải thưởng ở cấp thành phố.

10 năm qua, Trường Đại học Duy Tân đã thành lập Trung tâm Sáng tạo Microsoft (2014), Trung tâm Đổi mới sáng tạo BK Holdings - Duy Tân (2022), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Samsung (2023), các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, hệ thống các phòng nghiên cứu, phòng học khoa học liên môn (STEM) phục vụ sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

TS. Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Duy Tân cho biết, trường dành nhiều nguồn lực nhằm thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cụ thể: thành lập bộ phận chuyên trách về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng không gian sản xuất - chế tạo phục vụ cho các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp trong trường đại học; tổ chức và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp; thiết lập một hệ sinh thái các trung tâm đổi mới sáng tạo và phòng ban chức năng phục vụ hoạt động đào tạo, tìm kiếm, hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng của sinh viên, hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

Định hướng thời gian tới, trường sẽ xây dựng quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp tài chính ban đầu, nuôi dưỡng các dự án của các sinh viên có tiềm năng, tập trung vào một số lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của nhà trường và định hướng của địa phương như lĩnh vực công nghệ thông tin - du lịch. Bên cạnh đó, trường xây dựng các nhóm sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm theo đuổi các dự án tiềm năng trong khoảng thời gian đủ lớn; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố nhằm tận dụng nguồn lực về chuyên gia trong các hoạt động tập huấn, ươm tạo, quản trị dự án khởi nghiệp.

Trường Đại học Duy Tân đã tham gia mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam (VNEI) dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Đây là cơ hội để trường thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức khu vực đại học, cao đẳng.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu sáng tạo và Khởi nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã trải qua hơn 2 năm hoạt động. Đội ngũ chuyên gia của viện đã và đang hỗ trợ sinh viên tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp, đề xuất nhiều ý tưởng, sát với thực tế và có tính ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Ths. Lê Vũ, giảng viên môn Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thông tin, trong năm nay, trường sẽ mở rộng quy mô Viện Nghiên cứu sáng tạo và Khởi nghiệp, cung cấp thêm nhiều “gói” hỗ trợ cho sinh viên có ý tưởng và tinh thần khởi nghiệp. Trường sẽ tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp để sinh viên có cơ hội thể hiện ý tưởng và kêu gọi vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp; đồng thời tổ chức các hội thảo kết nối sinh viên với các nhà đầu tư, để sinh viên có cơ hội tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp của mình.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.