Bảo đảm cấp điện cho miền Trung và truyền tải ra miền Bắc - Kỳ cuối: Chung tay bảo đảm vận hành nguồn và lưới điện

.

Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung sẽ nhận nhiều lợi thế từ nguồn năng lượng được truyền tải hai chiều (mạch vòng), có cơ hội được bảo đảm cấp điện liên tục, ổn định để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Tuy nhiên, mỗi người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cũng cần chia sẻ khó khăn chung về nguồn điện, chung tay sử dụng điện an toàn, hợp lý và tiết kiệm tối đa.

Các thiết bị, máy móc của Trạm biến áp 220kV Hải Châu được khẩn trương hoàn thiện để bảo đảm cấp điện cho trung tâm thành phố Đà Nẵng.Ảnh: QUANG THẮNG
Các thiết bị, máy móc của Trạm biến áp 220kV Hải Châu được khẩn trương hoàn thiện để bảo đảm cấp điện cho trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: QUANG THẮNG

Đà Nẵng sẽ tiếp tục được bảo đảm cấp điện

Với việc truyền tải điện có công suất cao từ Đà Nẵng và miền Trung ra miền Bắc, Đà Nẵng có nguy cơ bị cắt giảm hoặc thiếu hụt điện hay không? Trả lời câu hỏi nói trên, lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 2 cho rằng, do lưới điện truyền tải 220kV, 500kV liên tục được đầu tư, phát triển và nâng cấp nên nhiều năm qua, khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng hầu như ít xảy ra hiện tượng bị thiếu điện. Đặc biệt, năm 2022, đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 được đóng điện, đã góp phần nâng cao năng lực truyền tải lưới điện 500kV của hệ thống điện quốc gia; giải tỏa công suất nguồn nhiệt điện và năng lượng tái tạo trong khu vực.

Đồng thời, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Gia Lai, Kon Tum. “Dù truyền tải điện công suất cao ra miền Bắc, nhưng về cơ bản, nguy cơ bị cắt giảm, thiếu hụt điện ở Đà Nẵng và khu vực lân cận đã được giảm xuống mức thấp. Hệ thống quản lý các cấp của ngành điện đã, đang và tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm duy trì vận hành an toàn, liên tục lưới điện truyền tải, giảm thấp nhất nguy cơ sự cố lưới điện để bảo đảm chất lượng điện ổn định và liên tục đến người sử dụng”, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 Nguyễn Duy Dũng khẳng định.

Thực tế, trong những năm qua, hiện nay và những năm tới, việc cấp điện cho thành phố Đà Nẵng và truyền tải điện với công suất cao từ Đà Nẵng và miền Trung ra miền Bắc cũng đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ xảy ra mất điện cục bộ do các sự cố như: kháng điện, cháy tại trạm biến áp, rã lưới, cháy rừng ở dưới đường dây cao áp, cẩu cây xanh hoặc các trụ va chạm đường dây, thả diều, bắn dây kim tuyến vào đường dây..., nhất là việc truyền tải với điện công suất cao liên tục trong thời gian dài gây phát nhiệt ở các điểm tiếp xúc của thiết bị, có nguy cơ xảy ra các sự cố.

Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), ứng phó với nguy cơ xảy ra các sự cố trên đường dây truyền tải điện có thể gây mất điện cục bộ cho thành phố Đà Nẵng, ngành điện đã có phương án “khởi động đen” để khôi phục truyền tải điện cho hệ thống đường dây 220kV, 110kV nhằm cấp điện cho các khu vực của Đà Nẵng từ nguồn điện được huy động tại các nhà máy thủy điện có liên quan. Theo đó, khi xảy ra sự cố trên lưới điện 500kV dẫn đến hiện tượng “rã lưới”, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) sẽ thực hiện phương án “khởi động đen” nói trên. PC Đà Nẵng sẽ phối hợp với A3 để khôi phục phụ tải trung, hạ áp trên địa bàn thành phố đúng phương án đã được phê duyệt và nguồn điện đáp ứng theo thời gian thực.

Bên cạnh được cấp điện, việc các nhà máy thủy điện được trữ nước và huy động phát điện nhiều trong mùa nắng nóng và đến cuối mùa khô sẽ là điều kiện thuận lợi để bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho Đà Nẵng, làm giảm các nguy cơ hạn hán, nhiễm mặn... Việc bảo đảm cấp điện và nước liên tục trong mùa khô, đặc biệt là mùa nắng nóng sẽ là một lợi thế, cơ hội cho Đà Nẵng nâng cao an sinh xã hội, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Các nguồn điện được truyền tải về Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và truyền tải ra miền Bắc.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các nguồn điện được truyền tải về Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và truyền tải ra miền Bắc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tiết kiệm điện để chia sẻ khó khăn chung

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Phó Giám đốc Kỹ thuật PC Đà Nẵng Nguyễn Đình Tuân cho rằng, PC Đà Nẵng luôn nỗ lực trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ đời sống nhân dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Dù Đà Nẵng được bảo đảm cấp điện, nhưng thành phố vẫn được giao và phải thực hiện đạt tỷ lệ tiết kiệm điện tương đối cao nhằm chia sẻ khó khăn chung, bảo đảm nguồn điện của quốc gia. PC Đà Nẵng đang triển khai quyết liệt các giải pháp tiết kiệm điện; làm việc trực tiếp với tất cả các khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên về các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và khuyến khích dịch chuyển thời gian sản xuất, tránh các tháng cao điểm, khung giờ cao điểm; tiết giảm công suất khi hệ thống gặp khó khăn trong cung ứng điện...

PC Đà Nẵng hoàn toàn thống nhất với quan điểm chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng về việc bảo đảm chiếu sáng công cộng, nhất là tại các khu, điểm du lịch, dịch vụ để tạo điều kiện phát triển du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách và người dân. Nhưng thành phố cần tiếp tục điều chỉnh phương án vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng tại các tuyến đường, khu vực khác để bảo đảm tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023-2025 cho các hoạt động chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Tuấn cho rằng: “Năm nay, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng, nhưng vẫn vận hành bình thường hệ thống điện chiếu sáng, trang trí cho các cây cầu trên sông Hàn và các khu vực công cộng để phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên địa bàn thành phố có 102.080 điểm đèn chiếu sáng công cộng, trong đó có 35% điểm chiếu sáng bằng đèn led tiết kiệm điện. Đồng thời, toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng công cộng được giám sát, điều khiển đóng, mở tự động, góp phần tiết giảm, tiết kiệm điện năng”.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để chủ động bảo đảm cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là tại miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng năm 2024, EVN đã và đang thực hiện các nhóm giải pháp về vận hành hệ thống điện, nhất là huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải điện tối đa từ miền Trung ra miền Bắc. Đồng thời, điều tiết giữ mực nước trong các hồ thủy điện để bảo đảm cung ứng điện cho cả mùa khô năm 2024. Về lâu dài, EVN quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tiến độ.

Trước mắt, EVN tập trung mọi nguồn lực để thi công đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) và hoàn thành đúng tiến độ; khẩn trương hoàn thành các công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào như dự án đường dây 220kV Nậm Sum (Lào) - Nông Cống (Thanh Hóa), trạm 220kV Đăk Ooc (Quảng Nam), đường dây 500kV Monsoon (Lào) - Thạnh Mỹ (Quảng Nam)... Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý, an toàn..., để bảo đảm cung ứng, cấp điện liên miền.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.