Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Hòa Vang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức chương trình trao sinh kế cho hội viên phụ nữ khó khăn. Ảnh: H.V
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức chương trình trao sinh kế cho hội viên phụ nữ khó khăn. Ảnh: H.V

Chị Lâm Thị Mít (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) được Hội LHPN xã hỗ trợ giống bưởi da xanh để làm vườn mẫu phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, các hội viên đều dành ngày công giúp gia đình chị cải tạo vườn tạp, trồng và chăm bón giống bưởi này. Sau một thời gian chăm bón, vườn cây bưởi da xanh của chị đơm hoa kết trái, tạo thu nhập ổn định.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bắc Bùi Thị Ga cho biết, hội có 989 hội viên, trong đó có 197 hội viên là đồng bào Cơ tu. Để hỗ trợ hội viên, đặc biệt là hội viên phụ nữ Cơ tu, những năm gần đây, hội hỗ trợ phát triển vườn cây ăn quả, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh phục vụ du lịch cộng đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, hội hỗ trợ 3 hội viên phát triển vườn cây với số tiền hơn 20 triệu đồng.

Ngoài ra, trong năm 2023, trên địa bàn xã thành lập HTX nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc do nữ quản lý, tạo nhiều công ăn việc làm cho chị em trong hội. Khi có khách du lịch đến tham quan, hội viên phụ nữ Cơ tu sẽ biểu diễn văn nghệ với điệu múa tung tung da dá để du khách thưởng thức.

“Mỗi buổi diễn vừa giúp chị em kiếm thêm thu nhập 200.000 đến 300.000 đồng, vừa lưu giữ, lan tỏa được điệu múa truyền thống của dân tộc mình đến du khách thập phương. Bên cạnh đó, với 60 khung dệt do Hội LHPN thành phố hỗ trợ, phụ nữ người đồng bào thiểu số trên địa bàn xã đã thành lập tổ dệt thổ cẩm nhằm khôi phục nghề truyền thống và tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách. Hằng năm, Hội LHPN xã còn tổ chức hội thi ý tưởng khởi nghiệp, từ đó chọn lựa những ý tưởng hay để có hướng đề xuất hỗ trợ”, bà Ga nói.

Tại xã Hòa Phú, nơi người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện nay toàn xã có 953 hội viên phụ nữ, trong có có gần 100 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống ở thôn Phú Túc. Để tạo sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo, Hội LHPN xã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tập huấn khoa học công nghệ trồng trọt và chăn nuôi với phương châm “cầm tay chỉ việc”.

Nhờ được hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị Đinh Thị Nguyên (trú thôn Phú Túc) đang sở hữu trang trại với 100 con gà, 60 cây bưởi và 100 cây giổi, là niềm ao ước của nhiều hội viên trong xã. Theo chị Nguyên, việc phát triển kinh tế rừng đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc nhưng khi cây lớn sẽ cho nguồn thu nhập ổn định. Chính vì vậy, chị luôn động viên chị em hội viên kiên trì bám rừng, bám đất. “Bao đời nay đồng bào mình sống nhờ rừng, bởi vậy mình và những hộ trong thôn luôn giáo dục các cháu phải trồng rừng, giữ rừng để phát triển kinh tế”, chị Nguyên nói.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phú Nguyễn Thị Thu Nguyệt, hằng năm có 20% phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được giúp thoát nghèo theo chỉ tiêu giảm nghèo của địa phương. Ngay từ đầu năm, Hội LHPN xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, hỗ trợ vốn vay, hoạt động khởi nghiệp; phối hợp với UBND xã tổ chức đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo để rà soát, tổng hợp nhu cầu hội viên có nhu cấu vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2023, Hội LHPN xã giúp 5 hội viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo. 

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Trần Thị Kim cho biết, các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương, của thành phố, qua đó giúp nhiều hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số huyện giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Không chỉ đổi mới công tác vận động phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện còn chú trọng hướng các hoạt động về cơ sở, gắn việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với việc tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong phụ nữ dân tộc thiểu số với nhiều hình thức phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào.

Trong 2 năm qua, Hội LHPN xã Hòa Phú và xã Hòa Bắc đã tín chấp cho 54 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ chị em tham gia phát triển hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc như homestay. Hội LHPN Huyện tranh thủ nguồn tài trợ của tổ chức phi chính phủ hỗ trợ sinh kế nuôi dê cho 2 hội viên khó khăn tại thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc); giới thiệu 19 chị tham gia lao động tại Hàn Quốc và việc làm tại Khu du lịch Núi Thần Tài. Hội LHPN xã Hòa Phú và xã Hòa Bắc vận động các mạnh thường quân nhận đỡ đầu 9 trẻ em đồng bào Cơ tu, cam kết hỗ trợ trong 5 năm với tổng số tiền 270 triệu đồng.

NGỌC PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.