Kinh tế
Trình diễn, nâng cao hiệu quả sản xuất từ các giống lúa mới
Ngành nông nghiệp thành phố triển khai nhiều mô hình trình diễn các giống lúa mới phù hợp với thổ nhưỡng, đặc điểm của địa phương; bước đầu có năng suất ổn định, chất lượng cao và khả năng chống chịu tốt. Đây là cơ sở để bổ sung, tạo sự đa dạng bộ giống lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nghiệm thu mô hình trình diễn các giống lúa mới tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong trong vụ đông xuân 2023-2024. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao
Tại cánh đồng thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong), ông Nguyễn Đạo cho biết, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gia đình ông đã trồng thử nghiệm 3 giống lúa gồm: ĐB18, Thơm Hương 31, HG12. Kết quả thu hoạch cuối vụ, giống Thơm Hương 31 có hạt lúa to, chất lượng; giống ĐB18 có năng suất rất cao, trên 75 tạ/ha. Ông Đạo cho rằng, tỷ lệ sâu bệnh hại hạn chế, sức chống chịu với thời tiết tốt, chi phí phân bón được tiết kiệm, việc canh tác cũng đỡ vất vả hơn… là những thuận lợi khi trồng thực tế. Ông Đạo cho rằng, ngành nông nghiệp cần sớm đưa các giống này vào sản xuất đại trà để giúp cho nông dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Được biết, vụ đông xuân 2023-2024, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm đã triển khai trồng thử nghiệm 6 giống lúa mới tại thôn Dương Lâm 2 với quy mô 6,5ha, gồm: ST25, ĐB18, Thơm Hương 31, Thiên Hương 6, VNR10 và HG12. Theo nhiều nông dân tham gia mô hình, các giống lúa đều có những ưu điểm vượt trội khác nhau. Chẳng hạn, giống VNR10 cho bông chùm, hạt lúa to hơn các giống lúa đại trà của địa phương, thời gian sinh trưởng ngắn hơn các giống đại trà khác; giống ST25 có khả năng đẻ nhánh rất mạnh, tạo ra loại gạo chất lượng và có giá trị kinh tế cao; giống ĐB18 khả năng chống chịu tốt…
Kết quả, năng suất gặt thực tế của các giống lúa trên cao hơn dự kiến, cụ thể: giống Thơm Hương 31 đạt 75-80 tạ/ha, cao hơn dự kiến 10-15 tạ/ha; giống ST 25 đạt 62-64 tạ/ha (dự kiến 60,5 tạ/ha); giống HG12 đạt 68-70 tạ/ha (dự kiến 65 tạ/ha), VNR10 từ 75-80 tạ/ha (dự kiến 68 tạ/ha), Thiên Hương 6 đạt 64 tạ/ha và ĐB 18 đạt năng suất từ 75-80 tạ/ha (dự kiến 72 tạ/ha).
Còn tại thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), giống lúa chất lượng cao ST25 là giống được trồng thử nghiệm qua 4 vụ sản xuất. Ông Nguyễn Nhỏ, Trưởng thôn Cẩm Toại Đông cho biết, vụ đông xuân 2023-2024, nông dân trong thôn đã tham gia trồng khoảng 6ha giống ST25 theo hướng hữu cơ. Qua theo dõi, giống lúa này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; cứng cây, khả năng chống chịu tốt với thời tiết và sâu, bệnh gây hại tốt... Mặc dù năng suất không vượt trội bằng một số giống lúa khác, nhưng ST25 có giá trị kinh tế rất cao. Đầu vụ, giá lúa tươi của giống ST25 khoảng 12.000 đồng/kg, trong khi các giống bình thường chỉ khoảng 8.000 đồng/kg.
Qua mô hình thử nghiệm, lợi nhuận thu được sau khi trừ các chi phí của giống ST25 lên đến 785.000 đồng/sào. “ST25 và ĐT100 là hai giống lúa được trồng chủ yếu tại thôn với tổng diện tích 42ha. Đây đều là những giống có hiệu quả cao về kinh tế, được đưa vào cơ cấu giống sau khi thử nghiệm qua nhiều vụ. Chúng tôi dự kiến sẽ trồng thêm giống ĐB18 để đánh giá toàn diện hơn về độ phù hợp chân ruộng, năng suất thu hoạch”, ông Nhỏ chia sẻ.
Nghiệm thu mô hình trình diễn các giống lúa mới tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong trong vụ đông xuân 2023-2024. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Tiếp tục trình diễn, du nhập giống lúa mới
Bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm cho biết, trung tâm thường xuyên du nhập, trình diễn các bộ giống lúa mới, giống chất lượng cao để đánh giá về tính thích nghi, sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất; từ đó, chọn ra những giống phù hợp với điều kiện của địa phương để bổ sung, tạo sự đa dạng cho cơ cấu bộ giống sản xuất. Cùng với đó, trung tâm cũng xây dựng một số mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của Đà Nẵng.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, khi triển khai những mô hình trên, năng suất, chất lượng và lợi nhuận đều được nâng cao so với sản xuất truyền thống. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển được ngành nông nghiệp hướng tới. Một số địa phương đã sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cần tiếp tục sản xuất, từ đó, hướng đến đến việc sản xuất lúa hữu cơ hoàn toàn. Vụ hè thu 2024, trung tâm sẽ tiếp tục du nhập các bộ giống lúa mới có triển vọng, phù hợp với thổ nhưỡng, thích ứng với khí hậu của địa phương để làm cơ sở đánh giá, đưa vào cơ cấu giống trong thời gian đến.
Theo ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp, trong quá trình sản xuất, một số giống lúa có dấu hiệu thoái hóa, mẫn cảm với sâu bệnh hại, khả năng chống chịu bị giảm sút, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Do vậy, việc du nhập, trình diễn để tìm ra các giống lúa mới có ưu điểm vượt trội, phù hợp là việc làm cần thiết để đưa vào cơ cấu giống trên địa bàn thành phố. Mặt khác, trong quá trình trồng thử nghiệm, chi cục luôn phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi, đánh giá kết quả trình diễn, đặc biệt là tình hình sâu, bệnh gây hại trên các giống lúa mới.
Trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm về việc đưa giống mới vào cơ cấu giống, chi cục sẽ chủ trì và phối hợp với các đơn vị, địa phương để đánh giá cụ thể; tham mưu sở bổ sung vào bộ cơ cấu giống để tiến hành sản xuất đại trà trong các vụ tiếp theo. “Hiện nay, cơ cấu giống của thành phố là các giống trung, ngắn ngày với nhiều ưu điểm nổi trội, tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu tốt. Đơn cử như bộ giống chủ lực: HT1, Hà Phát 3, ĐT100, VNR10… là giống trung, ngắn ngày, thích hợp để sản xuất trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu”, ông Bảo thông tin thêm.
VĂN HOÀNG