Kinh tế
Cơ hội để Đà Nẵng đột phá phát triển
Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành bày tỏ kỳ vọng những cơ chế, chính sách đặc thù mới trong nghị quyết được Quốc hội thông qua ngày 26-6 sẽ là những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đặc biệt là việc thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Việc xây dựng thí điểm mô hình khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Một góc dự án Bến cảng Liên Chiểu (phần hạ tầng dùng chung) đang được thi công. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng: Tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng lần này mang tính chất đặc thù, vượt trội để khắc phục hạn chế cũng như điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14. Qua đó, sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thúc đẩy, tạo xung lực mới để phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đặc biệt, việc Trung ương cho thí điểm thành lập khu thương mại tự do theo đề xuất của Đà Nẵng là một trong những điểm mới. Ở Việt Nam, chưa có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về mô hình khu thương mại tự do, song đã có khoảng 150 nước trên thế giới thực hiện mô hình này và họ thường xuyên có những cơ chế, chính sách để tạo sự cạnh tranh nhằm khai thác tốt mô hình. Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất và được Chính phủ cũng như các bộ, ngành ủng hộ thí điểm thành lập khu thương mại tự do nhằm phát huy, khai thác hết tiềm năng từ điều kiện, vị trí địa lý và tự nhiên đến con người của thành phố.
Việc thành lập khu thương mại tự do là nền tảng ban đầu, từ đó có cơ sở thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để các địa phương khác có thể áp dụng, dần hình thành khu thương mại tự do phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở Việt Nam. Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của thành phố.
* Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng: Mô hình khu thương mại tự do thí điểm giúp Đà Nẵng làm đầu tàu kinh tế
Việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại Đà Nẵng là một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội thông qua vào ngày 26-6. Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng như hiện nay, vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây..., thành phố hoàn toàn có thể thiết lập được khu thương mại tự do. Tại đây, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hóa đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là một thuận lợi lớn đối với thành phố.
Với việc thí điểm xây dựng khu thương mại tự do tại Đà Nẵng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cùng với đó, việc có một khu thương mại tự do sẽ làm gia tăng danh tiếng về môi trường kinh doanh của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Khu thương mại tự do với các dịch vụ đẳng cấp sẽ tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn du khách quốc tế; tạo ra việc làm mới, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương và các vùng lân cận; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Đà Nẵng và các địa phương khác do hiệu ứng lan tỏa mang lại.
Việc thí điểm khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không. Khu thương mại tự do cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn...
* Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng: Nhiều điểm sáng trong cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng
Song hành với công tác quy hoạch, thành phố đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tiếp tục xây dựng và phát triển. Quốc hội thông qua nghị quyết mới, trong đó có rất nhiều “điểm sáng”. Nổi bật là thí điểm xây dựng khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Mô hình khu thương mại tự do được thực hiện rất thành công ở các nước, trong đó có những nước gần nước ta như: Trung Quốc, các nước Ả Rập. Nhưng đối với Việt Nam thì chưa có khung pháp lý để thực hiện mô hình này.
Với nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong nước thực hiện mô hình khu thương mại tự do, tạo động lực phát triển đột phá cho thành phố. Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng được định hướng xây dựng 3 khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất; logistics; thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Đặc biệt, mô hình khu thương mại tự do của Đà Nẵng không được quy hoạch riêng thành một khu có hàng rào ngăn cách vì thành phố không có nhiều quỹ đất, thành phố sẽ dành tổng diện tích 600-700ha để xây dựng khu thương mại tự do phân tán kết hợp với các công trình đầu mối hạ tầng. Chẳng hạn, khu logistics sẽ tập trung ở cảng biển Liên Chiểu. Việc chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch cũng được định hướng thành một phần khu thương mại tự do...
Đối với khu sản xuất thì thành phố sẽ mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với diện tích đủ lớn và 2 cụm công nghiệp Hòa Ninh và Hòa Nhơn. Mô hình khu thương mại tự do là định hướng để thành phố thoát ra khỏi “chiếc áo chật chội” và “vượt vũ môn”, nên thành phố quyết tâm thực hiện thí điểm.
* Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng: Khơi thông các nguồn lực, phát triển các cụm công nghiệp, logistics
Quốc hội thông qua nghị quyết mới, trong đó có các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp lĩnh vực công thương (trong đó có chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng), được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá, khơi thông nguồn lực, từ đó có tác động hết sức mạnh mẽ, tích cực đối với sự phát triển trong thời gian đến của ngành công thương thành phố nói riêng và kinh tế - xã hội thành phố nói chung.
Cụ thể, đối với chính sách về quản lý đầu tư đối với cụm công nghiệp, cụ thể là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất. UBND thành phố sẽ quy định cơ chế tài chính, thẩm quyền xác định và quyết định giá cho thuê, đối tượng cho thuê phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố. Chính sách này tạo điều kiện để thành phố đưa vào quản lý, vận hành khai thác các cụm công nghiệp đã được đầu tư công nhằm tạo quỹ đất để di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị giải tỏa theo quy hoạch của thành phố, các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, góp phần giải quyết bức xúc lâu nay của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ về nhu cầu mặt bằng để sản xuất; tạo điều kiện ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Một chính sách khác là cho phép thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với việc xây dựng các hạng mục, công trình hình thành trung tâm logistics. Chính sách này góp phần thể chế hóa chủ trương, định hướng phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng của Bộ Chính trị về “hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng” và “phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo” tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị; tạo điều kiện để thành phố có cơ hội huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng logistics nói riêng, đồng thời phát triển các loại hình dịch vụ logistics với vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển thương mại và xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ, phù hợp với định hướng quy hoạch và quy mô kinh tế của thành phố.
Việc cho phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách này sẽ giúp tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay trong thực hiện thủ tục xúc tiến, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành lập các trung tâm logistics của thành phố.
* Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng: Tạo điều kiện để Đà Nẵng phát huy vai trò, sứ mệnh của mình
Thời gian qua, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng rất cần những cơ chế, chính sách mới đột phá, vượt trội để thành phố phát huy vai trò, vị thế của mình. Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với 30 chính sách, trong đó có 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị, 21 chính sách về phát triển đặc thù thành phố Đà Nẵng. Trong 21 chính sách đó, có 6 chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác, 10 chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác nhưng có điều chỉnh, mở rộng và 5 chính sách mới.
Đặc biệt, 2 chính sách mới có tính chất đột phá, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố Đà Nẵng, đó là cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu. Các chính sách đặc thù vượt trội lần này được Quốc hội thông qua sẽ là xung lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho Đà Nẵng phát triển và phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình.
HOÀNG HIỆP - MAI QUẾ - NGỌC PHÚ ghi