Kinh tế
Từ phế phẩm nông sản đến giải Nhất SV-Startup 2024
Vượt qua hơn 700 dự án khởi nghiệp được tuyển chọn từ các trường đại học, cao đẳng, học viện/viện đào tạo trên toàn quốc, giữa tháng 5-2024, dự án “BINKS - Màu mực thực vật - Hướng đi mới cho nông nghiệp xanh” của nhóm sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng đã xuất sắc giành được giải Nhất tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI - năm 2024” (SV-Startup 2024).
Dự án “BINKS - Màu mực thực vật - Hướng đi mới cho nông nghiệp xanh” xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI” vào giữa tháng 5-2024. Ảnh: V.H |
Tận dụng nguồn phế phẩm hữu cơ
Trần Nhân Kiệt (sinh viên ngành Khoa học y sinh, VNUK), trưởng nhóm nghiên cứu dự án cho biết, mỗi ngày, tại các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố có lượng lớn rau, củ, quả hư hỏng được thải ra môi trường. Với suy nghĩ làm thế nào tận dụng và xử lý nguồn phế phẩm trên, từ tháng 6-2023, Kiệt cùng 4 sinh viên khác tại VNUK gồm: Lê Ngọc Anh Phương, Lê Văn Minh Tuấn, Phạm Như Uyên Nhi (ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế) và Nguyễn Hoàng Thanh Trâm (ngành Khoa học máy tính) đã nghiên cứu và phát hiện ra các hợp chất anthocyanin trong rau, củ, quả có thể dùng để sản xuất mực, màu vẽ thân thiện với môi trường. Trong quá trình thực hiện, nhóm của Kiệt gặp khá nhiều thách thức, nhất là liên quan đến vấn đề kỹ thuật để tối ưu hóa quy trình trích ly và ổn định màu sắc của mực. Bởi đây là loại mực mới mẻ được sản xuất từ nguồn gốc thiên nhiên, không chứa hóa phẩm độc hại tạo màu, giá thành rẻ. Không những vậy, dự án còn mang giá trị về môi trường khi giúp xử lý và tận dụng triệt để phế phẩm hữu cơ, tái tạo, tiết kiệm tài nguyên thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, sau khoảng 6 tháng, mẫu mực vẽ đầu tiên “ra đời” với cái tên Botanical Inks (BINKS). Sau đó, Kiệt cùng nhóm nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh, cải tiến quy trình sản xuất để hoàn thiện sản phẩm, bảo đảm chất lượng và tính an toàn. Theo đó, sản phẩm có nhiều ưu điểm so với các loại màu vẽ thông thường trên thị trường như: tốc độ khô nhanh gấp 6 lần, độ phai màu chỉ khoảng 10% sau 1 năm sử dụng (tối ưu hơn mức 17% các loại mực bình thường), không chứa bất kỳ các loại hóa chất độc hại nào và an toàn cho người sử dụng… Để thử nghiệm rộng rãi, nhóm đã kết hợp một số lớp vẽ, trường học trên địa bàn thành phố, các địa phương và nhận được nhiều phản hồi tích cực về các ưu điểm vượt trội của BINKS. “Tiềm năng của loại mực thực vật khi thương mại hóa là rất lớn bởi nó phù hợp với xu hướng sống xanh của người tiêu dùng hiện nay. Thân thiện với môi trường, an toàn, không chứa các chất độc hại nên mực thực vật có nhiều lợi thế để cạnh tranh và thay thế các loại mực, màu truyền thống”, Kiệt chia sẻ.
Nhiều cơ hội, tiềm năng khởi nghiệp
Theo Kiệt, nhiều phụ huynh, gia đình rất quan tâm đến tính an toàn của mực viết và màu vẽ. Bởi việc sử dụng các loại mực không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các rủi ro nhiễm độc/ ngộ độc mực đối với trẻ nhỏ. Do đó, trong quá trình nghiên cứu, dự án BINKS không ngừng được Kiệt cùng các cộng sự cải tiến và hoàn thiện sản phẩm. Để phát triển, sản xuất sản phẩm lâu dài với số lượng lớn, tạo tiền đề thương mại hóa sản phẩm trong tương lai, dự án đã làm việc với một số đơn vị phân phối, siêu thị, giải quyết vấn đề phế thải đầu vào; hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục theo quy định để đăng ký sở hữu trí tuệ.
Được biết, từ thành quả nghiên cứu, nhóm của Kiệt đã tham gia cuộc thi Innovation Challenge - Tại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp dành cho sinh viên VNUK, dự án đã đạt giải Ba. Dự án tiếp tục tham gia cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2024, cuộc thi Sáng tạo Ý tưởng Khởi nghiệp do Đại học Đà Nẵng tổ chức và được cử tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI - năm 2024” (SV-Startup 2024). Với tiềm năng và ý nghĩa tác động môi trường, dự án “BINKS - Màu mực thực vật - Hướng đi mới cho nông nghiệp xanh” đã xuất sắc giành được giải Nhất toàn quốc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tại cuộc thi SV-Startup 2024.
Kiệt cho rằng, bệ phóng từ các cuộc thi khởi nghiệp là cơ hội giúp BINKS tham gia các sự kiện đầu tư quy mô lớn. Đơn cử như tại sự kiện quốc tế đầu tư mạo hiểm và thiên thần Đà Nẵng năm 2024 - Danang Venture and Angel Summit 2024 (DAVAS 2024), BINKS là 1 trong 30 dự án được lựa chọn tham gia trưng bày, kết nối và kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần trong nước và quốc tế. Tại DAVAS 2024, các nhà đầu tư rất ấn tượng với sản phẩm mực thực vật bởi đây là sản phẩm mới, có tính sáng tạo và ứng dụng cao trong đời sống. Nhóm đặt mục tiêu kêu gọi vốn khoảng 30.000 USD và nhận được phản hồi rất tích cực. Hiện tại, nhóm đang hoàn thiện các vấn đề thủ tục pháp lý để nhận được đầu tư và hướng tới thương mại hóa sản phẩm, định vị thương hiệu. Dự kiến, giá bán của sản phẩm khoảng 30.000 đồng/100ml, thấp hơn gấp 6 lần sản phẩm có cùng tính năng trên thị trường. “Với xuất phát điểm là dự án của sinh viên, nhóm mong muốn sẽ đưa dự án đi xa, phát triển và mang đúng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; từ đó, định vị và quảng bá thương hiệu mực hữu cơ đến thị trường trong nước và khu vực”, Kiệt chia sẻ.
VĂN HOÀNG