Kinh tế
Quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm địa phương
Việc xây dựng, đăng ký và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng địa phương, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là yêu cầu tất yếu giúp các chủ thể, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bảo hộ sản phẩm gắn với thương hiệu địa phương, thành quả lao động; nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo dựng hình ảnh, uy tín, hướng đến xuất khẩu.
Sản phẩm “Gạo Hòa Tiến” của HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (huyện Hòa Vang) được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vào tháng 7-2024. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Định vị thương hiệu trên thị trường
Vùng rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là một trong những vùng sản xuất rau lớn trên địa bàn thành phố. Sản phẩm tại đây được sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap, PGS với sản lượng cung ứng bình quân đạt 250 tấn/năm; bảo đảm các tiêu chí “3 không” (không chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; không tồn dư phân hóa học; không chứa các tác nhân sinh học gây bệnh) và “4 có” (có nguồn gốc xuất xứ đầy đủ, rõ ràng; có kiểm tra định kỳ của cơ quan chức năng; có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; có chứng nhận sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng). Cuối năm 2013, sản phẩm “Rau an toàn Túy Loan” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 65037/QĐ-SHTT.
Theo anh Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, nhãn hiệu tập thể là tài sản trí tuệ quan trọng giúp định vị sản phẩm trên thị trường. Khi tham gia vào HTX, các xã viên đều được tập huấn kiến thức để nâng cao chất lượng sản phẩm và nắm bắt nhu cầu của thị trường. Tất cả sản phẩm của HTX đều được dán nhãn hiệu, logo do Cục Sở hữu trí tuệ cấp khi đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, HTX đang phân phối sản phẩm cho hơn 20 cửa hàng, siêu thị, đối tác trên toàn địa bàn thành phố.
Tại xã Hòa Tiến, nhãn hiệu tập thể “Gạo Hòa Tiến” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 345483/QĐ-SHTT ngày 24-2-2020. Là đơn vị được khai thác sử dụng nhãn hiệu, HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 đã có nhiều hoạt động liên kết, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh từ khâu đầu vào đến đầu ra. Đặc biệt, năm 2023, sản phẩm của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây là sản phẩm gạo đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng do nông dân địa phương sản xuất.
“HTX nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc quản lý và phát triển nhãn hiệu nên đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị để tạo quy trình sản xuất khép kín; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng”, ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 cho hay.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong Bùi Dũng, các sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng. Để quản lý, khai thác bền vững và phát huy tối đa giá trị thương hiệu, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nhãn hiệu tập thể cho chủ sở hữu, thành viên thuộc tổ chức sở hữu nhãn hiệu. Mỗi thành viên phải là một đại sứ giới thiệu, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa xuất ra thị trường.
Hơn hết, chủ sở hữu nhãn hiệu và các thành viên cần có sự liên kết với chính quyền địa phương trong việc khai thác nhãn hiệu trong tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; tránh tình trạng khai thác cá nhân, hoạt động tự phát, dẫn đến hàng hóa không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, ảnh hưởng đến thương hiệu chung của tập thể. Ngoài ra, các chủ sở hữu cần quan tâm, chú trọng khâu đầu ra, xây dựng chuỗi sản xuất- tiêu thụ thông qua các kênh thương mại truyền thống và điện tử, kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Th.S Nguyễn Thị Thúy, phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng cho rằng, đa phần, các sản phẩm địa phương chỉ tập trung xác lập quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu chứ ít quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ khác như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý… Để quản lý và khai thác tốt các tài sản trí tuệ cộng đồng, các địa phương cần xây dựng hệ thống quản trị các tài sản. Bước đầu cần thiết lập cơ sở như trang thiết bị, nhân lực, công nghệ hỗ trợ, xây dựng chính sách; xác định số lượng đặc sản địa phương, tập hợp phân tích, đánh giá giá trị sản phẩm. Từ đó, xác định các tài sản cần bảo hộ, đăng ký xác lập quyền các tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương và khai thác quyền sở hữu công nghiệp. Mặt khác, địa phương cần đánh giá toàn diện về những tài sản trí tuệ đã được bảo hộ nhằm phát huy những giá trị đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Qua đó, có giải pháp phát triển tài sản trí tuệ phù hợp, nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm địa phương; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm…
VĂN HOÀNG