Kinh tế

Quỹ "Hỗ trợ nông dân" tạo động lực giúp nông dân phát triển kinh tế

07:31, 14/08/2024 (GMT+7)

Quỹ “Hỗ trợ nông dân” trở thành địa chỉ tin cậy, tạo động lực giúp nhiều hội viên nông dân trên địa bàn thành phố có điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

Mô hình “Sản xuất nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái” tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.Ảnh: N.Q
Mô hình “Sản xuất nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái” tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Ảnh: N.Q

Phát huy hiệu quả nguồn quỹ

Sau 4 năm thành lập, tổ hội nghề “chả giò bà Quýt” (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) có 5 thành viên hoạt động hiệu quả, được người dân, du khách yêu thích. Theo bà Đặng Trần Mỹ Liên (SN 1971), Chủ nhiệm tổ hội nghề “chả giò bà Quýt”, khi chưa thành lập tổ hội nghề, sản phẩm nem, chả của các hộ sản xuất bán nhỏ lẻ tại các chợ và chưa được nhiều du khách biết đến. Do đó, các hộ phối hợp liên kết nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Hội Nông dân quận hỗ trợ, kết nối đưa sản phẩm tham gia các hội chợ nông sản để quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Đặc biệt, các thành viên được Hội Nông dân tạo điều kiện vay 150 triệu đồng từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” để đầu tư máy móc, nguyên liệu sản xuất. “Nhờ kinh doanh hiệu quả, năm 2023, chúng tôi đã hoàn trả số tiền 150 triệu đồng đã vay. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng mỗi thành viên thu nhập khoảng 10 triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, bà Liên chia sẻ.

Mô hình “Sản xuất nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái” là mô hình mới tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) do ông Nguyễn Văn Trinh (SN 1963) và 5 thành viên góp vốn thực hiện từ năm 2022. Trên diện tích 5.000m2 đất thuê lại từ UBND Hòa Tiến, ông Trinh cùng các thành viên đào 6 ao kết hợp nuôi ốc, cá rô và trồng bông súng, trồng cây cảnh, bàn ghế để bán cà phê. Vào cuối tuần, có khá đông gia đình đến đây để vui chơi, câu cá và mua ốc tại hồ. Tổng kinh phí đầu tư cho mô hình là 400 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng do 6 thành viên vay từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” của thành phố. Mô hình trên hoạt động hiệu quả, thu hút khá đông khách vào cuối tuần, thu nhập hằng tháng 18 - 20 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến Đặng Văn Quang, hiện nay, hội đang quản lý 330 triệu đồng Quỹ “Hỗ trợ nông dân”. Đây là nguồn vốn ưu đãi quan trọng giúp hội viên đầu tư sản xuất, kinh doanh, nuôi ốc, trồng hoa súng, hoa sen, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, mang lại cuộc sống ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của hội viên khá lớn, trong khi giới hạn cho vay cao nhất của quỹ theo nguồn thành phố là 50 triệu đồng. Do đó, Hội Nông dân thành phố cần nâng mức cho vay đến 100 triệu đồng để hỗ trợ những mô hình sản xuất quy mô lớn.

Quản lý, giám sát nguồn vốn vay

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Vân cho biết, hiện nay, tổng nguồn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” do Huyện hội quản lý từ nguồn của Trung ương, thành phố và nguồn cấp huyện hơn 10,1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, hội giải quyết cho 46 lượt hộ vay với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Nguồn quỹ trên giúp hội viên mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, việc vay vốn mở rộng quy mô sản xuất là giải pháp giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng trở lên. “Sau khi giải ngân nguồn vốn, hội thường xuyên kiểm tra các hộ nhằm giám sát việc sử dụng nguồn vốn và kiểm tra công tác quản lý nguồn quỹ tại các xã. Đặc biệt, chúng tôi chú ý đánh giá khả năng phát triển kinh tế của các hộ để bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả, hoàn vốn đúng tiến độ và luân phiên cho các hộ khác vay. Đến nay, trên địa bàn chưa có các trường hợp xâm tiêu tiền lãi vay”, bà Vân chia sẻ.

Tổng nguồn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” toàn thành phố hiện nay hơn 47,5 tỷ đồng; nguồn quỹ của các quận, huyện hơn 8,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6, thành phố giải ngân hơn 42,1 tỷ đồng cho 1.338 hộ và 190 dự án vay. Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban quản lý Quỹ “Hỗ trợ nông dân” thành phố cho biết, công tác triển khai vốn vay của các cấp hội có nhiều chuyển biến tích cực từ hoạt động tuyên truyền, chọn hộ, xây dựng dự án, hướng dẫn thủ tục đến việc thẩm định và giải ngân được thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay được các cấp hội thực hiện nghiêm túc. Nguồn vốn vay không chỉ giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, an toàn, hiệu quả cao. Đặc biệt, nguồn quỹ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, giúp thúc đẩy công tác hội và phong trào nông dân, góp phần thu hút đông đảo hội viên tham gia hoạt động hội.

NGỌC QUỐC

.