Trước nhu cầu rất lớn và bức thiết về vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm, động lực trong năm 2024 và 2025, nhất là dự án đường cao tốc phía đông đoạn Hòa Liên - Túy Loan; dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung)..., thành phố Đà Nẵng đang cân đối nguồn đất san lấp, đá xây dựng để bảo đảm cung cấp, phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn thành phố.
Nguồn đất đắp đang được bảo đảm tại dự án đường cao tốc phía đông đoạn Hòa Liên - Túy Loan. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tính đến đầu tháng 9-2024, dự án đường cao tốc phía đông đoạn Hòa Liên - Túy Loan đã hoàn thành gần 30% khối lượng thi công. Dự án có tổng khối lượng đào khoảng 1,186 triệu m3 đất và đắp khoảng 904.000m3 đất nên nguồn vật liệu đất đắp được cơ bản cân đối đủ để phục vụ thi công. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về nguồn đá xây dựng được xay với nhu cầu khoảng 350.000m3 đá, trong đó, từ nay đến cuối năm 2024 cần 190.000m3 đá và năm 2025 cần 160.000m3 đá.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị được giao làm chủ đầu tư, kiêm điều hành dự án) đã đề nghị thành phố Đà Nẵng xem xét cấp phép tăng công suất khai thác các mỏ đá trên địa bàn thành phố trong năm 2024 và ưu tiên bố trí nguồn đá xây dựng cho dự án đường cao tốc phía đông đoạn Hòa Liên - Túy Loan để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu thi công và bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho hay, do thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, động lực, nhất là dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) với nhu cầu về đá xây dựng rất lớn, nên trữ lượng đá được cung cấp cho dự án đường cao tốc phía đông đoạn Hòa Liên - Túy Loan chưa đủ theo nhu cầu. Thành phố đã có chủ trương nâng công suất khai thác một số mỏ đá, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đá xây dựng cho dự án này. Vì thế, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu tăng công suất khai thác các mỏ đá để cung cấp cho dự án.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang cần hơn 1,011 triệu m3 đá để cung cấp cho các dự án trong 2 năm 2024 và 2025, trong đó, chủ yếu là cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung). Trên địa bàn thành phố có 9 khu vực được cấp giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực (các giấy phép này đều hết hạn vào cuối năm 2025) với trữ lượng đá xây dựng có thể cung cấp trong 2 năm 2024 và 2025 là hơn 2,1 triệu m3 đá.
Bên cạnh đó, có 6 khu vực được cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp, đắp nền đường với tổng trữ lượng đất có thể cung cấp trong 2 năm 2024 và 2025 là 2,468 triệu m3 đất. Ngoài ra, có 3 mỏ đá và 2 mỏ đất đang được lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác; 2 mỏ đất đang được đề nghị gia hạn giấy phép thăm dò trữ lượng.
Trong khi đó, theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nguồn vật liệu xây dựng thông thường cần cung cấp trong giai đoạn 2024-2025 cho các công trình, dự án là hơn 3 triệu m3 đá xây dựng và hơn 8 triệu m3 đất san lấp. Sau khi cân đối, trữ lượng đá xây dựng bảo đảm nhu cầu xây dựng trong giai đoạn 2024-2025, riêng trữ lượng đất làm vật liệu san lấp thiếu 2,744 triệu m3 (chiếm 34%) so với nhu cầu, nên đang được thành phố nghiên cứu, bổ sung từ các nguồn khác để bổ sung.
Các mỏ đá được nâng 15% công suất khai thác trong năm 2024 Trước mắt, trong năm 2024, cho phép 7 mỏ được nâng công suất khai thác dưới 15% công suất khai thác nhưng không vượt quá ranh giới và độ sâu cho phép... Thành phố cũng đang rà soát, khảo sát các nguồn khoáng sản để có biện pháp bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng và các công trình, dự án trọng điểm được ưu tiên triển khai theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền địa phương và một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng cũng như các công trình, dự án theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
HOÀNG HIỆP