Kinh tế

Sẵn sàng ứng phó ngập nước đô thị

06:37, 18/09/2024 (GMT+7)

Rút kinh nghiệm từ hai trận ngập lớn xảy ra vào ngày 14-10-2022 và các ngày 13, 14-10-2023, công tác triển khai ứng phó ngập nước cục bộ trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão năm 2024 được các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương triển khai rất sớm. Đến thời điểm này, thành phố đã hoàn tất nhiều công việc và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình trạng ngập nước do mưa lớn.

Các máy bơm tại trạm bơm chống ngập Thuận Phước đã được hoàn thành đại tu trước mùa mưa bão năm 2024. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các máy bơm tại trạm bơm chống ngập Thuận Phước đã được hoàn thành đại tu trước mùa mưa bão năm 2024. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ngay trước mùa mưa bão năm nay, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành nạo vét bùn, đất trong hơn 50 tuyến cống, kênh thoát nước trọng điểm cùng các cửa thu, mương thu nước mưa dọc tuyến, nhất là dọc theo các đoạn đường thường hay xảy ra ngập nước cục bộ như Phan Đăng Lưu, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hà Huy Tập, Đà Sơn, Lạc Long Quân... Bên cạnh đó, công ty nạo vét bùn, đất trong hơn 240 hố ga dọc các tuyến đường và lưu vực thoát nước; đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát cụ thể từng vị trí, khu dân cư bị ngập sâu và chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm di động để chủ động bơm tiêu úng kịp thời...

Vừa qua, công ty đã cải tạo ngưỡng tràn cố định tại cửa xả hồ Thạc Gián bằng ngưỡng tràn di động để hạ mực nước hồ xuống thấp hơn trước khi xảy ra mưa lớn. Sở Xây dựng đã đôn đốc nhà thầu hoàn thành nâng cấp, sửa chữa các máy bơm chống ngập tại các trạm bơm Thuận Phước, Đảo Xanh và Trương Chí Cương...

Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết, công ty đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các trạm bơm chống ngập (Thuận Phước, Ông Ích Khiêm, Đảo Xanh, Trương Chí Cương, K20) nhằm bảo đảm các trạm bơm này được vận hành ổn định khi có mưa lớn xảy ra cũng như bố trí nhân lực túc trực để vận hành, theo dõi và xử lý kịp thời mọi sự cố...

Trước khi mưa lớn xảy ra, mực nước tại các hồ như Công viên 29 Tháng 3, Thạc Gián - Vĩnh Trung và hồ K5 sẽ được hạ xuống mức thấp nhất, giúp tăng dung tích điều tiết nước nhằm giảm thiểu ngập úng tại đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn... và tuyến cống ở kiệt K640 Trưng Nữ Vương. Công ty cũng bố trí công nhân túc trực tại các điểm ngập khi xảy ra mưa lớn để khơi thông, giúp nước thoát nhanh hơn, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà, các đơn vị đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc các công việc được Chủ tịch UBND thành phố phân công về chống ngập. Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị rà soát, xác định cụ thể 124 điểm, khu vực có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn, mưa cực đoan (124 điểm ngập này tương ứng với trận mưa cực đoan xảy ra vào ngày 14-10-2022 và trận mưa rất to xảy ra vào ngày 13-10-2023) để triển khai các giải pháp phù hợp và lồng ghép vào kịch bản ứng phó ngập úng đô thị cũng như phương án phòng, chống thiên tai thành phố Đà Nẵng.

UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai 13 nhiệm vụ mang tính chất thường xuyên, 14 giải pháp trước mắt và 7 giải pháp mang tính ổn định lâu dài nhằm kịp thời khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn. Đến nay, một số dự án chống ngập đã được thi công hoàn thành, nhất là tuyến cống thoát nước liên phường Xuân Hà, Tam Thuận... và đang triển khai thi công dự án Cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến đường Hùng Vương và Lý Thái Tổ. Một số dự án chống ngập đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, nhiều dự án đang được các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ và xin bố trí vốn để thực hiện...

Công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra, bảo đảm vận hành các trạm bơm chống ngập. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra, bảo đảm vận hành các trạm bơm chống ngập. Ảnh: HOÀNG HIỆP

“Công tác ứng phó ngập úng trên địa bàn thành phố đã được thực hiện sớm và đến nay đã cải thiện đáng kể so với năm 2023. Bên cạnh các tuyến kênh, cống thoát nước đã được Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nạo vét, UBND các quận, huyện đang tích cực triển khai nạo vét, khơi thông các tuyến mương, cống được phân cấp theo bản đồ nạo vét để thoát nước đồng bộ, dòng chảy thông suốt.

Qua các trận ngập nước lớn xảy ra vào năm 2022 và 2023, Sở Xây dựng nhận thấy công tác khơi thông cửa thu nước mưa trên mặt đường, mương thu nước từ cửa thu xuống cống và nạo vét kênh, cống thoát nước đóng vai trò rất quan trọng. Đây là giải pháp hiệu quả trước mắt trong thời gian chờ triển khai các tuyến cống thoát nước chính để giải quyết tình trạng ngập úng do mưa cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, bảo đảm từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước trên toàn thành phố nhằm thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian đến”, ông Võ Tấn Hà nhấn mạnh.

Đầu tư nhiều dự án chống ngập
Theo Sở Xây dựng, một số dự án chống ngập đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, như dự án Nâng cấp trạm bơm Ông Ích Khiêm (giai đoạn 2); xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại đoạn qua kênh Phong Bắc; xử lý thoát nước khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng (gồm: cải tạo hố ga, cửa thu nước đường Trần Xuân Lê và vùng lân cận; bổ sung tuyến cống thoát nước nối từ hồ Thạc Gián qua hồ Công viên 29 Tháng 3; cải tạo các tuyến cống đường Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn; xử lý ngập úng khu vực dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh và nút giao với đường Nguyễn Hoàng).

Nhiều dự án đang được các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ và xin bố trí vốn để thực hiện như tuyến cống thoát nước dọc đường Hà Huy Tập, nối từ hồ Xuân Hòa A ra vịnh Đà Nẵng; tuyến cống thoát nước dọc đường Phùng Hưng, nối từ kênh Hòa Minh ra vịnh Đà Nẵng; tuyến cống thoát nước dọc đường Lê Tấn Trung - Huyền Quang ra biển; nhánh cống Khe Cạn số 2 dọc theo đường Hoàng Thị Loan ra hồ Trung Nghĩa; dự án cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước dọc đường số 4 của Khu công nghiệp Hòa Khánh...

HOÀNG HIỆP

.