Kinh tế

Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ

06:50, 05/09/2024 (GMT+7)

Tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Theo đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ.

Tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Theo đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ.
Công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là 1 trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của kinh tế Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm theo Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng. Có thể thấy, hoạt động công nghiệp thành phố thời gian qua tiếp tục có những chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP thành phố từ năm 2019 đến tháng 6-2024 tăng 1,56 điểm. Cụ thể: tỷ trọng công nghiệp năm 2019 là 16,5% và tháng 6-2024 là 18,06%. Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất của 7 tháng kể từ năm 2019 đến nay; trong đó, có 3/4 nhóm ngành cấp 1 có mức tăng trưởng dương, gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 15,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%.

Quy hoạch thành phố xác định: tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp; hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Cụ thể, phát triển công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.

Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô-tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.

Triển khai các giải pháp theo định hướng

Theo đánh giá của Sở Công Thương, việc đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ ở các ngành công nghiệp đã có chuyển biến rõ nét. Trình độ công nghệ từ mức trung bình thấp đã được nâng lên mức trung bình khá. Hệ số đóng góp công nghệ của các nhóm ngành nhìn chung khá đồng đều, cao nhất là ngành hóa chất, cao su - nhựa. Để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, ngành công thương đặt ra các giải pháp: bảo đảm điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghệ cao; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đầu tư đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; kết nối cung - cầu các sản phẩm công nghiệp; bảo đảm về môi trường; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn...

Về hạ tầng công nghiệp, Đà Nẵng sẽ hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp mới. Về cụm công nghiệp, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg, đến năm 2030, thành phố gồm 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 532,89ha và sau năm 2030 gồm 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích 757,89ha, phân bổ trên địa bàn các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

Về các khu công nghiệp (KCN), KCN Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố; chuyển đổi KCN Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái; hình thành các KCN: Hòa Cầm giai đoạn 2 (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) và Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).

Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thông tin, lũy kế đến ngày 30-7-2024, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung - giai đoạn 1 và các KCN thu hút được 523 dự án đầu tư. Trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 34.459 tỷ đồng; 124 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 2,08 tỷ USD. Về tiến độ các KCN mới, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có văn bản gửi Ban quản lý dự thảo hồ sơ mời thầu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2.

Về KCN Hòa Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản về việc có 2 nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Ninh hợp lệ tại bộ. Hiện Ban quản lý đang tổng hợp ý kiến các sở, ban, ngành để dự thảo văn bản thẩm định của UBND thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Hòa Ninh.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-UBND phê duyệt chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Kết quả, thành phố đã hỗ trợ 1,88 tỷ đồng (năm 2022) và 2,34 tỷ đồng (năm 2023) cho các tổ chức, cá nhân sản xuất công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu.

Dự kiến từ ngày 2 đến 4-10 tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức hội chợ Triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng năm 2024 (SIMEXPO 2024), qua đó thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.

MAI QUẾ

.