Kinh tế

Chủ động nguồn hàng cung ứng mùa mưa bão

07:37, 08/10/2024 (GMT+7)

Thời điểm này, ngành công thương cùng các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chủ động chuẩn bị hàng hóa, bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến trong mùa mưa, bão.

Sẵn sàng nguồn hàng cung ứng lương thực trong mùa mưa bão. TRONG ẢNH: Cửa hàng lương thực Kiều Trang (đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê). Ảnh: MAI LY
Sẵn sàng nguồn hàng cung ứng lương thực trong mùa mưa bão. TRONG ẢNH: Cửa hàng lương thực Kiều Trang (đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê). Ảnh: MAI LY

Qua khảo sát tại một số đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ thiết yếu sẵn sàng phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2024 đã được sẵn sàng từ sớm. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn cũng tích cực làm việc với nhà cung ứng để bảo đảm nguồn hàng.

Chị Trần Kiều Trang, chủ cửa hàng lương thực Kiều Trang (đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) cho hay, lượng hàng vẫn ổn định và của hàng cũng làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng trong mùa mưa bão. “Các đối tác của tôi chủ yếu từ đồng bằng sông Cửu Long, thời gian chở hàng về Đà Nẵng khoảng từ 3-5 ngày. Do đó, khi gần hết hàng, chúng tôi thường chủ động nhập hàng để không ảnh hưởng đến việc cung ứng cho người dân”, chị Trang chia sẻ.

Theo Sở Công Thương, nguồn hàng dự trữ tại các siêu thị, chợ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn phong phú, dồi dào. Tổng lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dự trữ gồm 217.218 thùng mì ăn liền, 7.225 thùng lương khô, 3.637 tấn gạo, nếp các loại, 34.490 thùng nước đóng chai và 724 tấn lương thực thực phẩm khác. Khả năng huy động gạo ứng phó trong thời điểm xảy ra thiên tai trên địa bàn thành phố là 3.637 tấn hàng hóa các loại.

Trong tình huống cứu trợ khẩn cấp, sở sẽ đề nghị huy động nguồn gạo dự trữ từ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng số lượng dự kiến là 2.546 tấn. Trường hợp thời tiết diễn ra phức tạp, chia cắt kéo dài hơn so với thời gian dự trữ, sở tổ chức kêu gọi, vận động doanh nghiệp có năng lực dự trữ, phân phối mặt hàng gạo làm đầu mối tiến hành thu mua thêm gạo hoặc từ nguồn dự trữ quốc gia trên địa bàn để cứu trợ. Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực và nước uống đủ cho người dân trong vùng ảnh hưởng của thiên tai dự kiến là 120.000 người trong 3 ngày.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố, cho biết đơn vị đã triển khai phương án tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với những mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường trước, trong và sau khi sảy ra thiên tai. Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc chủ động theo dõi nắm chắc tình hình, sự biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, góp phần bình ổn giá trên thị trường.

Các đội quản lý thị trường đã nắm chắc danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các quận, huyện về thực phẩm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, mì ăn liền, nước uống đóng chai… và các mặt hàng: tôn, sắt, thép, vật liệu xây dựng… để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát.

Tại các chợ, cửa hàng, các cơ quan chức năng tuyên truyền đến người kinh doanh nhằm không để xảy ra hiện tượng tăng giá trong mùa mưa bão. Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, các tiểu thương đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng mùa mưa bão. Công ty đã gửi công văn tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh tại chợ trực thuộc tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong mùa mưa bão. Các ban quản lý chợ trực thuộc cũng thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả, bình ổn thị trường tại chợ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt, yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không đầu cơ găm hàng, không chờ tăng giá hoặc lợi dụng thiên tai để tăng giá bất hợp lý.

MAI LY

.