Kinh tế
Để du lịch đường thủy nội địa bứt phá
Du lịch đường thủy nội địa là một trong những sản phẩm độc đáo của Đà Nẵng, thu hút sự quan tâm trải nghiệm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ngành du lịch thành phố, các doanh nghiệp đang từng bước hoàn thiện sản phẩm để du lịch đường thủy nội địa thực sự bứt phá.
Du lịch đường thủy đang là sản phẩm được nhiều du khách lựa chọn khi trải nghiệm về đêm. Ảnh: NHẬT HẠ |
Các buổi tối trong tuần, khu vực cảng Sông Hàn (đường Bạch Đằng, trước khách sạn Novotel) luôn nhộn nhịp khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm các dịch vụ đường thủy nội địa. Trong thời gian chờ tàu du lịch xuất bến, du khách có thể thưởng thức các hoạt động văn hóa như các điệu múa Chăm, múa truyền thống…
Bà Yeun Lee, du khách Hàn Quốc, chia sẻ: “Trước khi đến Đà Nẵng, chúng tôi đã được nghe giới thiệu về sản phẩm du thuyền trên sông và mong muốn được trải nghiệm dịch vụ này. Chúng tôi được hướng dẫn mang áo phao để bảo đảm an toàn, nghe thuyết minh về dòng sông Hàn và háo hức chờ đợi xem, chụp hình (check-in) với cầu Rồng phun lửa, phun nước”.
Qua ghi nhận, các tàu du lịch đang hoạt động trên sông Hàn đều bảo đảm quy định trước khi xuất bến. Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khai thác khách du lịch đường thủy nội địa, ông Nguyễn Hữu Mỹ, chủ tàu Mỹ Xuân, luôn ý thức việc phải chấp hành các quy định, tiêu chí bảo đảm an toàn trong việc vận chuyển hành khách đường thủy nội địa như không chở quá số người quy định khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là du khách phải mang áo phao khi lên tàu, bắt đầu du lịch ngắm cảnh trên sông Hàn.
Thông tin từ Sở Du lịch được biết, hiện thành phố có 19 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đường thủy nội địa với tổng số 27 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động từ 16-250 chỗ, trong đó có 22 tàu hoạt động khu vực sông Hàn, 5 tàu hoạt động khu vực bán đảo Sơn Trà (tăng 1 tàu, 16 chỗ so với năm 2023) với tổng sức chứa 2.468 chỗ.
Tổng số thuyền viên và nhân viên phục vụ trên tàu đến nay là 219 người, toàn bộ nhân lực đã tham gia tập huấn nghiệp vụ du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đường thủy nội địa đạt khoảng hơn 742.000 lượt khách, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đến thời điểm này, du lịch đường sông được đánh giá là một sản phẩm khá ổn định của ngành du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên để khai thác hết tiềm năng, giá trị sẵn có, ngành du lịch cần có sự quan tâm hơn nữa, bổ sung thêm dịch vụ, tiện ích để gia tăng sức hấp dẫn của sản phẩm này.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Hoài An cho hay, ngày 29-12-2023, UBND thành phố đã ban hành đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án với mục tiêu tổng thể xây dựng phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố trở thành một trong những trung tâm về hạ tầng, dịch vụ tàu thuyền du lịch trên cả nước với vai trò là trung tâm kết nối du lịch đường thủy nội địa đến các tỉnh, thành phố khác trong khu vực và đường biển quốc tế.
Một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng trong nỗ lực xây dựng Đà Nẵng là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế, trong đó với đa dạng loại hình dịch vụ và phát triển mạnh các loại hình phương tiện đường thủy cao cấp về du thuyền hạng sang, du thuyền cá nhân, tàu thủy lưu trú 4-5 sao.
Để cụ thể hóa đề án, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan trong việc phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2024-2025, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: quản lý, đầu tư phát triển du lịch các tuyến đường thủy; cơ chế chính sách; đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng phục vụ; bảo đảm an ninh an toàn, bảo đảm môi trường du lịch đường thủy; xúc tiến, quảng bá sản phẩm phục vụ khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Trên cơ sở đã đề ra tại kế hoạch, mục tiêu phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2024-2025 là thu hút lượng khách du lịch đường thủy nội địa dự kiến đạt 12% tổng lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ (tương đương đạt khoảng 1 triệu lượt khách du lịch đường thủy nội địa năm 2024).
Trong giai đoạn này, hoạt động du lịch đường thủy nội địa tập trung hoàn thiện, khai thác hiệu quả hoạt động của 2 tuyến du lịch đường thủy nội địa chính, gồm: tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến CT15 - Hòn Sụp, Bãi Nam, Bãi Đa; triển khai các bước của giai đoạn 1 để đưa vào khai thác 2 tuyến du lịch đường thủy nội địa tuyến sông Hàn - sông Cổ Cò (đưa vào hoạt động và khai thác tuyến sông Hàn - bến K20/X6 trong năm 2024).
NHẬT HẠ