Kinh tế

Phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn huyện Hòa Vang

07:41, 29/10/2024 (GMT+7)

Thực hiện Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11-4-2019 của UBND thành phố về việc triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2025, huyện Hòa Vang triển khai công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Thu gom chất thải trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thu gom chất thải trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó phòng Tài nguyên và Môi trường Huỳnh Tấn Bôn cho biết, trong những năm qua, với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn huyện, điều này cũng đặt nhiều thách thức cho công tác quản lý môi trường nói chung, trong đó có công tác quản lý chất thải rắn nói riêng.

Để quản lý chất thải rắn hiệu quả, việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn là điều vô cùng quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Nếu việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn hiệu quả thì sẽ giảm thiểu lượng rác thải phát sinh ra môi trường cần phải xử lý (chôn lấp), hạn chế ô nhiễm nguồn nước và không khí, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo ra nguồn nguyên liệu cho các ngành tái chế, tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường góp phần xây dựng một xã hội xanh - sạch - đẹp và văn minh.

Quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31-12-2024 chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc phân loại. Để thực hiện tốt điều này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt là vai trò của cộng đồng dân cư, vai trò của từng người dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Chính vì vậy, bám sát kế hoạch về triển khai chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hằng năm của UBND thành phố, UBND huyện Hòa Vang đã ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện và UBND các xã ban hành kế hoạch, phương án thu gom trên địa bàn xã. Kết quả, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện ngày càng đi vào nền nếp.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn luôn được UBND huyện chỉ đạo triển khai thường xuyên với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành thành phố và các tổ chức liên quan, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến xã và nhất là sự vào cuộc của chính quyền cấp xã.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã tổ chức 114 buổi tập huấn, tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến hội viên, đoàn viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn huyện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, đối với nhóm chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng được người dân thực hiện tốt. Việc phân loại để riêng những thứ có thể bán ve chai (kim loại, giấy, nhựa các loại...) đã được người dân thực hiện từ lâu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đang thực hiện mô hình dân vận khéo “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” nhằm nâng cao ý thức của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương, đồng thời tạo nguồn lực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội của thôn như hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có người ốm đau dài ngày... Mô hình này được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.

Theo Hội LHPN huyện Hòa Vang, mô hình “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” được Hội LHPN huyện chủ trì triển khai, theo dõi, đôn đốc nhân rộng tại 6 xã: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Sơn và Hòa Liên. Để triển khai mô hình có hiệu quả, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức hội nghị tập huấn nhân rộng mô hình “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” cho 138 cán bộ hội; Hội LHPN 11 xã ra mắt 11 điểm mô  hình dân vận khéo “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” tại 11 thôn.

Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện tổ chức 40 điểm tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, truyền thông về “Phân loại chất thải rắn tại nguồn” và phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Mái nhà xanh”... 113 chi hội phụ nữ thôn với mô hình thường xuyên ra quân thu gom rác thải tại nguồn, rác thải nhựa…

Đối với nhóm chất thải rắn  thực phẩm, Hòa Vang có điều kiện thuận lợi trong việc xử lý đối với chất thải này vì điều kiện là vùng nông thôn, nhiều hộ dân có vườn rộng và có chăn nuôi. Do đó, nhóm chất thải thực phẩm được người dân tận dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi và ủ phân. Đặc biệt, đối với các nhóm chất thải rắn sinh hoạt  còn lại, Hòa Vang triển khai thu gom theo phương án của từng xã. Hiện nay, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt  trên địa bàn đã triển khai thực hiện 113/113 thôn với khối lượng từ 80-85 tấn/ngày, do 112 tổ tự quản với 180 công nhân làm việc tại 109 thôn, 10 chợ, 3 khu tái định cư…

PHƯƠNG UYÊN

.