Kinh tế
Hoàn thiện hệ thống tín hiệu đường sắt tại đường ngang có người gác
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định về việc thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đường sắt tại các đường ngang có người gác. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để các địa phương cũng như ngành đường sắt thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông.
Một lối đi có rào chắn ngang qua đường sắt trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: THÀNH LÂN |
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có người gác theo kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 để bảo đảm an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt.
Trước đó, theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ giai đoạn 2014-2020. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 720/1513 đường ngang đã trang bị hệ thống phòng vệ (có người gác, có cảnh báo tự động, có biển báo), trong đó có hàng chục đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt trên địa bàn thành phố, các đường ngang này tập trung ở huyện Hòa Vang, quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu...
Báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 2 người chết, không có người bị thương. So với cùng kỳ, tăng 1 vụ, tăng 2 người chết. Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố còn nhiều lối đi tự mở tiềm ẩn mất an toàn giao thông như tại Km779+500 thuộc tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu; lối đi tự mở tại Km801 qua địa bàn khu dân cư Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang và 2 lối đi tự mở mới phát sinh tại Km806 qua địa bàn xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ngoài ra, còn lối đi tự phát mới phát sinh ở địa bàn xã Hòa Tiến…
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải, kiêm Phó trưởng Ban An toàn giao thông Bùi Hồng Trung, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 34 đường ngang hợp pháp. Trong đó, đường ngang phòng vệ có người gác 28 đường, đường ngang phòng vệ bằng biển báo và bằng tín hiệu cảnh báo tự động 6 đường, gồm có 1 đường phòng vệ bằng biển báo và 5 đường phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động có cần chắn tự động (do ngành đường sắt quản lý và vận hành).
Về lối đi dân sinh (lối đi tự mở), ngày 8-5-2024, UBND quận Cẩm Lệ có Thông báo số 70/TB-UBND về việc đóng lối dân sinh qua đường sắt tại Km799+170 thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ; và giải thể và chấm dứt hoạt động tổ cảnh giới kể từ ngày 6-5-2024.
Hiện nay trên địa bàn thành phố còn lại 9 lối đi tự mở (tạm thời giữ lại trong thời gian chờ đầu tư xây dựng đường gom để kết nối giao thông); các lối đi này được các quận, huyện tổ chức cảnh giới chốt gác 9 tổ, trong đó có 8 lối đi tự mở dân sinh, và 1 đường ngang hợp pháp có biển báo, cụ thể: quận Liên Chiểu có 8 tổ cảnh giới, với 7 tổ cảnh giới tại lối đi tự mở (Tại Km775+700, Km776+300, Km776+545,Km777+780, Km778+760,Km778+926, Km779+500) và 1 đường ngang hợp pháp tại Km781+545 (đường vào Quận đội Liên Chiểu) chỉ có biển báo và cần chắn tự động.
Quận Thanh Khê có 1 tổ cảnh giới lối đi tự mở (tại Km793+150, đường vào Bàu Trảng 5 - Bàu Trảng 7) và huyện Hòa Vang có 1 lối tự mở (tại Km 800+980 thuộc xã Hòa Châu), UBND huyện Hòa Vang đang chỉ đạo bố trí gác... Do đó, thời gian tới, ngành giao thông đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung lực lượng làm nhiệm vụ điều hòa, hướng dẫn giao thông tại các đường ngang phức tạp về an toàn giao thông vào các giờ cao điểm buổi sáng, chiều, tối...; Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác nhân viên trực tiếp chạy tàu tại các gác chắn và nhà ga… để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân.
THÀNH LÂN