Kinh tế
Kết nối cung cầu đưa sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng
Nhằm kết nối cung cầu đưa sản phẩm nông nghiệp sạch nông nghiệp an toàn của Hà Nội đến với người tiêu dùng, bên cạnh việc tổ chức các Diễn đàn liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Hà Nội còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, dịch vụ, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Lãnh đạo sở Công thương Hà Nội tham quan điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại 183 Ngô Gia Tự, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Phương Anh/TTXVN |
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nhằm giúp đỡ người nông dân tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, cung cấp thông tin, khuyến khích mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp… giúp người nông dân nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, sản xuất cái thị trường cần, tránh tình trạng "được mùa rớt giá".
Nhưng trên thực tế hiện nay, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn Thủ đô vẫn còn thấp, chỉ chiếm hơn 10%. Hơn nữa, phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Ngoài ra, nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro trong sản xuất, kinh doanh… Đây là những nguyên nhân khiến nông dân vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ nông sản, nhất là vào chính vụ thu hoạch, ông Nguyễn Mạnh Phương chia sẻ.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) có gần 8.100 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 4.300 ha lúa, còn lại là diện tích trồng rau màu, hoa, cây ăn quả. Huyện Mê Linh cũng được coi là một trong những vựa rau lớn của thành phố Hà Nội, với các sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, thế mạnh là 700 ha rau trồng các loại rau trái vụ, rau gia vị, rau ăn lá, củ cải...; 800 ha trồng hoa và 300ha chuối. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc thương lái, nên khi chính vụ thu hoạch, sản phẩm rau, củ trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra, thường bị thương lái ép giá.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cho biết, với diện tích hơn 200 ha, đơn vị là một trong những vùng trồng rau màu lớn nhất của Hà Nội, cung ứng sản lượng lớn rau, củ, quả cho người dân Thủ đô. Những năm qua, chất lượng nông sản từng bước được nâng lên. Đến nay, hợp tác xã có 18 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sản lượng rau, củ, quả của hợp tác xã đạt khoảng 40.000 tấn/năm, tiêu thụ chủ yếu qua thương lái. Dù chủng loại rau, củ, quả tương đối đa dạng, nhưng giá trị sản phẩm từ cây rau vẫn thấp. Nguyên nhân là do rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu được bán thô, chưa có sản phẩm chế biến sâu; chuỗi liên kết chưa thực sự ổn định, bền vững…
Còn tại vùng trồng ổi chuyên canh xã Di Trạch huyện Hoài Đức (Hà Nội), sản phẩm ổi Di Trạch đã được đánh giá phân đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao từ năm 2021, nhưng chủ yếu vẫn tiêu thụ ở các chợ truyền thống, giá cả bấp bênh. Lượng ổi được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Người dân trồng ổi mong muốn tìm được đầu ra ổn định cho loại trái cây chủ lực của địa phương.- ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Hợp tác Dịch vụ Di Trạch thông tin.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để kết nối cung cầu đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng, ngành nông nghiệp cần kết nối, hỗ trợ cho các hợp tác xã tại các vùng nông nghiệp lớn tự tìm kiếm và ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ, tránh việc tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu trung gian. Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, từng bước mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân bằng việc thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả...
Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn hợp tác xã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng website, tờ rơi, tạo lập fanpage; đưa hợp tác xã có sản phẩm đủ điều kiện kết nối giới thiệu tại các chuỗi thực phẩm sạch tại một số địa phương lân cận. Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền vận động thành viên hợp tác xã đẩy mạnh liên kết giữa các thành viên, đơn vị cùng ngành hàng, tạo vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường...
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Phương Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt bớt các khâu trung gian sẽ giúp giá bán của sản phẩm từ các nhà bán lẻ sẽ đến người tiêu dùng thấp hơn và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có những sản phẩm đa dạng hơn, có nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm tốt.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng là một trong các hình thức để giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng nội địa và thực hiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành, góp phần việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, xây dựng nét văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam, trong đó nổi bật là chương trình “Bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.
Các hình thức đa dạng đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, cũng như mở ra cơ hội thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã, doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố Hà Nội trong năm 2024, cụ thể tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội trong 9 tháng năm 2024 tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,44%; quý II tăng 6,81%; quý III tăng 6,06%).
Theo TTXVN