Kinh tế
Khai thác hiệu quả giá trị cảnh quan ao, hồ
Việc đầu tư phát triển cảnh quan các ao, hồ trên địa bàn thành phố thời gian qua được các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó vừa giúp bảo vệ môi trường vừa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có.
Hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê) có tiềm năng để phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, đồng thời bảo đảm mỹ quan, tạo điểm nhấn kiến trúc trong khu vực nội đô. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Tháng 12-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4001/QĐ-UBND phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tiếp tục quản lý, thực hiện các hiệu quả biện pháp bảo vệ và khai thác các hồ. Quận Cẩm Lệ hiện có 7 ao, hồ với chức năng điều tiết nước và thoát nước, điều tiết nước thải, điều hòa không khí.
UBND quận đã phối hợp UBND các phường có hồ để tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ dân sống xung quanh không thực hiện các hành vi xả rác thải, nước thải, nhất là kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi đổ thải xà bần, giá hạ không đúng quy định. Trong thời gian đến, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, chi tiết nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn nước sông Cầu Đỏ - nguồn cấp nước quan trọng của thành phố theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quận Thanh Khê hiện nay có các ao, hồ gồm: hồ Công viên 29-3, Thạc Gián, Vĩnh Trung, Xuân Hòa A, Phần Lăng 1, Bàu Làng, hồ điều tiết phường An Khê, hồ 2ha. Đây cũng là địa phương có số lượng ao, hồ nhiều nhất của thành phố. Quận thường xuyên tổ chức vệ sinh, lấy mẫu đánh giá chất lượng môi trường nước định kỳ, tỉa thưa đàn cá, lắp đặt bè thủy sinh (bèo lục bình, thủy trúc, môn nước,...) để xử lý mùi.
Nhằm khai thác các hồ có điều kiện và lợi thế phát triển, năm 2019, UBND quận Thanh Khê tổ chức cuộc thi tuyển phương án quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan Công viên 29-3. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã báo cáo và được HĐND thành phố ban hành nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29-3; dự án sẽ triển khai năm 2025.
UBND quận cũng tổ chức cuộc thi để xét tuyển phương án quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan khu vực hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung và dọc kênh Phần Lăng. Đến nay, dự án quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan khu vực hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung đang được triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và dự kiến khởi công năm 2025.
Ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho hay, bên cạnh việc quản lý nhà nước về các hồ trên địa bàn, UBND quận đặc biệt chú trọng công tác tăng cường phối hợp với Ủy Ban MTTQ Việt Nam quận, các hội, đoàn, thể và người dân trong việc phối hợp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Ở cấp cơ sở, các phường có hồ cũng thành lập mô hình tự quản về bảo vệ môi trường khu vực. Cụ thể như mô hình “Khu dân cư phát triển bền vững” tại khu dân cư số 2, phường Thanh Khê Tây đối với hồ 2ha; khu dân cư 7 Xuân Hòa A, phường Hòa Khê với hồ Xuân Hòa A; mô hình “Mảng xanh thanh niên” tại hồ Bàu Làng, phường Thanh Khê Đông.
Việc phát triển cảnh quan kiến trúc khu vực xung quanh các hồ, đặc biệt là các hồ ở khu vực trung tâm đô thị giúp bảo đảm về mỹ quan đô thị cũng như tạo thêm một số điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan. Đồng thời có thể kết nối với các tuyến đường chính như Lê Duẩn, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Lý Thái Tổ nhằm hình thành nên các trục không gian liên hoàn thu hút người dân và du khách tham gia hoạt động thương mại và du lịch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế đêm của thành phố và quận.
Là địa bàn trung tâm thành phố, quận Hải Châu hiện có hồ Đình làng thuộc di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Hải Châu, diện tích mặt nước 0,059ha; hồ Đò Xu, diện tích mặt nước 6,86ha; hồ Đảo Xanh, diện tích mặt nước 25,089ha. UBND quận đã rà soát và triển khai quản lý, bảo vệ môi trường các hồ, lồng ghép để triển khai hiệu quả đề án “Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân khu vực xung quanh hồ và kênh; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xả nước thải, rác thải… gây ô nhiễm môi trường hồ. Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho biết, địa phương đang xây dựng đề án Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven sông Hàn.
Theo đó, khu Đảo Xanh và khu đất ngập nước kéo dài từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tuyên Sơn, diện tích khoảng 100ha; hiện còn khoảng 30ha phân bố chủ yếu ở phía tây nam chân cầu Trần Thị Lý và dọc sông Hàn theo đường Thăng Long lên cầu Tuyên Sơn.
Việc xây dựng phương án quản lý và bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái khu đất ngập nước Đảo Xanh và ven sông Hàn dọc tuyến Thăng Long là cần thiết nhằm gia tăng mảng xanh; hình thành điểm nhấn sinh thái của quận trung tâm thành phố, tạo ra loại hình du lịch mới là du lịch sinh thái, cộng đồng cũng như tạo ra những khu vực công cộng phục vụ nhu cầu thư giãn của người dân và du khách. Mặt khác, còn giúp cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ cảnh quan môi trường của quận Hải Châu nói riêng và thành phố nói chung.
TRẦN TRÚC