Kinh tế

Khôi phục chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm

07:23, 12/11/2024 (GMT+7)

Hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đang tích cực chăm sóc và tăng cường phòng, chống dịch bệnh để cung ứng nguồn thịt ra thị trường.

Hoạt động mua bán thịt heo ở chợ Cồn (quận Hải Châu). Ảnh: MAI LY
Hoạt động mua bán thịt heo ở chợ Cồn (quận Hải Châu). Ảnh: MAI LY

Chị Phạm Thị Phương (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vừa tái đàn với số lượng gần 40 con heo. So với 5 tháng trước, đàn heo của chị đã giảm hơn một nửa số lượng. Chị Phương cho biết, các hộ chăn nuôi khác trong vùng đang có tâm lý lo sợ dịch bệnh tiếp tục bùng phát, nhất là vào dịp cuối năm. Hiện nay giá heo hơi đang tăng ở mức 60.000-65.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg so với mức giá thu mua vào khoảng 3 tháng trở lại đây. Dự kiến, dịp Tết đến chị sẽ bán khoảng 20 con heo với trọng lượng từ 60-70kg.

“Mặc dù giá heo tăng nhưng giá các loại thức ăn cho heo vẫn cao nên cũng gây khó khăn cho việc tái đàn với số lượng nhiều. Nếu không tận dụng các nguồn thức ăn khác, các hộ chăn nuôi chắc chắn không có lãi”, chị Phương nói. Còn tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) những ngày này, các hội viên đang tích cực chăm sóc đàn gà, vịt để cung ứng cho thị trường dịp cao điểm Tết.

Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX cho hay, tình hình chăn nuôi trong năm gặp khó khăn do nhiều yếu tố nên ảnh hưởng đến số lượng gà, vịt. Dự kiến, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, HTX sẽ cho ra thị trường khoảng 4.000 con gà thả vườn và 3.000 con vịt. Trước nhu cầu của người dân dự báo tăng cao, các hộ chăn nuôi đã tái đàn từ khoảng 1 tháng nay để bảo đảm trọng lượng, chất lượng thịt. Hiện nay, giá thịt gà 140.000 đồng/kg đã làm sạch đóng gói và 100.000 đồng/kg với gà sống, có thể giá thịt gà dịp cận Tết sẽ tăng khoảng 5-10%.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, tính đến đầu tháng 11-2024, toàn huyện chăn nuôi 25.844 con heo, 25.844 con gia cầm, 4.768 con bò…

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố đang ổn định, không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, việc sản xuất chăn nuôi của người dân đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố tác động.

Vì vậy, ngành nông nghiệp thành phố tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn sản phẩm đông lạnh nhập khẩu vào thị trường (kể cả nguồn nhập khẩu chính ngạch và từ các nguồn khác…); cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch về giá các loại sản phẩm chăn nuôi; dự báo thông tin về nguồn cung, nhu cầu sản phẩm chăn nuôi để người dân biết và điều chỉnh hoạt động sản xuất chăn nuôi theo từng giai đoạn.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Nông nghiệp thành phố, sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu qua 2 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông của thành phố đến cuối tháng 10-2024 đạt khoảng 6.128 tấn (trung bình khoảng 612,8 tấn/tháng), giảm khoảng 12,2% so với trung bình tháng của năm 2023 (698,6 tấn/tháng). Nguồn thịt heo cung ứng cho Tết năm nay chiếm khoảng 80-85% nhập từ các tỉnh, thành phố trên toàn quốc như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... và 10-15% là nguồn thịt của thành phố. Số lượng heo đưa vào Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Đà Nẵng để mổ thịt vào thời điểm này khoảng từ 1.200-1.300 con/ngày.

TRẦN TRÚC - MAI LY

.