Kinh tế
Nâng cao hiệu quả xe buýt công cộng
Sở Giao thông vận tải sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận hệ thống xe buýt thông qua việc mở rộng mạng lưới để tăng độ bao phủ. Đồng thời, triển khai các giải pháp tăng cường hiệu quả của hệ thống xe buýt công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc trước cổng trường học.
Khai trương tuyến buýt Đà Nẵng- Hội An và Đà Nẵng - Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Theo Sở Giao thông vận tải, nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống xe buýt, hạn chế ùn tắc, sở sẽ xây dựng các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường kiểm soát trật tự vỉa hè, không sử dụng vỉa hè để đỗ xe, trông giữ xe mà ưu tiên cho người đi bộ. Sở cũng kiểm soát chặt chẽ việc đậu, đỗ như: cấm, hạn chế đậu đỗ trên các tuyến đường trung tâm, mở rộng thu phí đậu, đỗ... Trong đó, nghiên cứu triển khai các tuyến buýt chuyên dụng như buýt trường học, buýt nhà máy phục vụ cho đối tượng di chuyển theo khung giờ nhất định.
Thống kê cho thấy, thời gian qua, việc triển khai các tuyến buýt cũng đạt những kết quả đáng khích lệ, mặc dù nguồn lực đầu tư cho xe buýt trợ giá của thành phố không nhiều. Cụ thể, so sánh với tỷ lệ dân cư thì tỷ lệ trợ giá của hệ thống xe buýt Đà Nẵng chỉ 30.000 đồng/người, còn Thành phố Hồ Chí Minh hơn 170.000 đồng/người và Hà Nội hơn 230.000 đồng/người. Trong khi đó, lượng hành khách trước thời điểm Covid-19 tăng từ 30-50%. Sau thời gian giãn cách do dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng của hệ thống xe buýt Đà Nẵng rất ấn tượng. Theo đó, năm 2022 đạt 900.000 lượt hành khách thì đến nay đã đạt 1,7 triệu lượt/năm.
Việc mở rộng lộ trình xe buýt tại thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân ở vùng xa, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng xe buýt Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong thu hút hành khách. Bên cạnh số lượng người dân tham gia các phương tiện công cộng hiện nay còn hạn chế, thì việc bao phủ các tuyến buýt tại các khu công nghiệp chưa sát nhà máy; các tuyến xe buýt đều dừng đỗ ở phía ngoài cổng, tường rào của khu công nghiệp nên để đến được nơi làm việc, các công nhân phải đi bộ mất 20 phút.
Theo anh Trần Văn Đông, làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, các tuyến xe buýt của thành phố đều chạy bên ngoài, không có tuyến nào chạy vào khu công nghiệp (đi ngang các doanh nghiệp) nên công nhân không thể lựa chọn xe buýt để đến nơi làm. Vừa qua, thành phố đã nối lại tuyến buýt Đà Nẵng - Hội An, Đà Nẵng - Tam Kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung, hiện nay thói quen sử dụng xe buýt của người dân Đà Nẵng còn hạn chế. Nguyên nhân bởi đặc thù của đô thị ở Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng đa phần là nhà liền kề, mặt tiền dùng để kinh doanh dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, người dân không cho làm các vị trí dừng, đỗ xe buýt trước nhà... đã làm giảm khả năng tiếp cận của mọi người đối với xe buýt.
Cạnh đó, phương tiện cá nhân có tính cơ động hơn so với phương tiện công cộng nên người dân thường sử dụng phương tiện cá nhân dù cự ly rất ngắn. Hơn nữa, việc tổ chức trợ giá xe buýt được triển khai từ năm 2017, đến nay, dù số lượng tuyến tăng từ 11 lên 14 tuyến nhưng chỉ còn 6 tuyến trợ giá thay vì 11 tuyến như trước. Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục tuyên truyền về thuận lợi của việc sử dụng xe buýt, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận hệ thống xe buýt thông qua việc mở rộng mạng lưới để tăng độ bao phủ. Trong đó, nghiên cứu triển khai các tuyến buýt chuyên dụng như buýt trường học, buýt nhà máy phục vụ cho đối tượng di chuyển theo khung giờ nhất định.
Đồng thời, tăng cường các phương thức kết nối như xe điện, xe đạp, bố trí các điểm trông giữ phương tiện cá nhân tại các điểm trung chuyển; duy trì, tăng cường chất lượng dịch vụ công cộng như thông tin chuyến xe, bổ sung hạ tầng các điểm dừng đỗ, điều chỉnh lộ trình, tần suất; duy trì, tăng cường phương thức trợ giá cho đối tượng yếu thế, thu nhập thấp, các tuyến buýt kết nối vùng xa của huyện Hòa Vang...
PHƯƠNG UYÊN