Kinh tế
Vượt qua "đối thủ," xuất khẩu dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới
Theo đại diện Vinatex, với những kinh nghiệm đã được rèn giũa qua sóng gió trong hai năm trước đó, ngành Dệt May Việt Nam dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 43,5 tỷ USD trong năm nay.
Năm 2004, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 43,5 tỷ USD và tăng trưởng 11% so với năm trước đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Thông tin trên được lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra ngày 25-12-2024, tại Hà Nội.
Tăng tốc xuất khẩu
Dẫn số liệu thống kê, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Vinatex cho hay Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may thế giới.
Cụ thể, tính hết năm 2024, xuất khẩu dệt may có thể đạt từ 43,4-43,5 tỷ USD, tăng trưởng 2 con số. Đây cũng là kết quả nổi bật của ngành dệt may Việt Nam khi đặt trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là sụt giảm.
Đại diện Vinatex dẫn chứng, ngay sau Việt Nam là Ấn Độ, xuất khẩu dệt may cũng chỉ tăng trưởng từ 6,9-7%, mặc dù là nước có dòng sản phẩm và lợi thế địa lý rất gần Bangladesh nên sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất bởi xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh trong năm vừa qua.
Còn đối với Trung Quốc, sau 11 tháng xuất khẩu dệt may thu về khoảng 273,4 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy vậy với mặt hàng may mặc, Trung Quốc mới xuất khẩu được 144 tỷ USD (giảm 2,8%), còn mặt hàng dệt sợi (là thế mạnh của Trung Quốc) xuất khẩu được 129 tỷ USD, tăng 3,7%.
Cũng theo ông Cầm, “đối thủ” mạnh nhất của Việt Nam là Bangladesh (qua tổng hợp số liệu từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh), sau 10 tháng xuất khẩu dệt may của nước này giảm 3,7% so với cùng kỳ và xuất khẩu mới thu về được 27,7 tỷ USD. Như vậy, mỗi tháng nước này xuất khẩu từ 2,8-3 tỷ USD, giảm mạnh so với mức đỉnh cao năm 2022 (mỗi tháng xuất khẩu trên 4 tỷ USD).
Dù vậy, đại diện Vinatex cũng nhấn mạnh, kết quả trên có thể chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian, bởi qua theo dõi tại Mỹ và EU, xuất khẩu của Bangladesh đang có phục hồi về thị phần trong tháng 9 và tháng 10, do vậy, khả năng Bangladesh sẽ sớm phục hồi xuất khẩu dệt may (nếu theo kịch bản bình thường sẽ phục hồi sau quý 2/2025) lúc đó sự cạnh tranh gay gắt sẽ quay lại.
"Với ưu đãi thuế quan cho nước kém phát triển trong khi Việt Nam lại bất lợi do chi phí lao động trong ngành dệt may cao gần gấp 3 lần so với Bangladesh, vì vậy cần theo dõi sát để đưa ra nhiều giải pháp hơn," ông Hoàng Mạnh Cầm khuyến nghị.
Trong khi đó, với các quốc gia khác như Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh trong thời gian vừa qua, đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ có thị trường chính là châu Âu và Bangladesh xuất khẩu vào châu Âu là chính, nhưng xuất khẩu dệt may của 2 quốc gia này không lớn và quy mô xuất khẩu cũng như lợi thế cạnh tranh cũng không bằng Việt Nam.
“Dự báo nửa đầu năm 2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục với đà của cuối năm 2024 cũng như sẽ có một số tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi một số thị trường chính như Mỹ, EU phục hồi kinh tế khả quan, cũng như thu nhập, chi tiêu tiêu dùng của người dân cải thiện sau khi lộ trình cắt giảm lãi suất tiếp tục diễn ra,” ông Hoàng Mạnh Cầm đưa ra dự báo.
Đầu tư các sản phẩm mới mang tính khác biệt
Nhìn lại năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá thêm trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp; thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất nhưng ngành Dệt May Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
“Với những kinh nghiệm đã được rèn giũa qua sóng gió năm 2022, 2023, ngành Dệt May Việt Nam dự kiến xấp xỉ 44 tỷ USD xuất khẩu, tăng gần 11% so với năm 2023,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
CEO Vinatex cũng nhận định nhìn chung thị trường dệt may thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2024 khi các Ngân hàng Trung ương lớn như FED, ECB có các đợt cắt giảm lãi suất điều hành và việc làm, thu nhập người dân có sự cải thiện.
Trong khi đó, ước tính cả năm 2024, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với nǎm 2022. Với ngành Dệt May Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường tuy có khá hơn nhưng vẫn là mạch trầm lắng khó khăn của 2023 kéo dài thì trong 6 tháng cuối năm đơn hàng vào Việt Nam tăng đột biến do những biến động chính trị bất ngờ tại các quốc gia cạnh tranh.
Trước những diễn biến mới của thị trường, ông Cao Hữu Hiếu cho hay Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đón bắt đơn hàng quay trở lại, trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất-kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý 3-2024, không có đơn bị nào bị lỗ trong năm 2024. Ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến sản xuất-kinh doanh chưa có hiệu quả.
“Với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023,” ông Cao Hữu Hiếu thông tin.
Đặc biệt, năm 2024, Vinatex tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói, đưa Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex vào hoạt động trên cơ sở kiện toàn Trung tâm Kinh doanh hàng thời trang Vinatex; Khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (Hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương Quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới; Triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP).
Ngoài ra, tập đoàn cũng tiếp tục triển khai các hoạt động về phát triển bền vững trong doanh nghiệp dệt may đáp ứng yêu cầu xanh hóa như: chỉ đạo đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải số 2 công suất 8.000m3/ngày đêm bên cạnh Nhà máy xử lý nước thải số 1 công suất 10.000m3/ngày đêm cho ngành dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối Hưng Yên, hướng tới xây dựng khu công nghiệp dệt may xanh kiểu mẫu tại khu vực phía Bắc...
Nhằm chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, ông Cao Hữu Hiếu thông tin, Vinatex sẽ tập trung vào một số trụ cột, trong đó là xây dựng lại năng lực cạnh tranh tổng thể của toàn hệ thống, tập trung đào tạo bồi dưỡng và sử dụng chung nguồn nhân lực cấp cao để dẫn dắt những đơn vị khác.
“Tập đoàn sẽ tiếp tục chiến lược một điểm đến, xanh hóa sản phẩm của tập đoàn; đầu tư thiết bị tự động, công nghệ cao nhưng gắn với các yếu tố kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nghiên cứu đầu tư các sản phẩm mới mang tính khác biệt trên tinh thần đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, một yếu tố dẫn dắt dệt may Việt Nam không thể thiếu đó là sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau,” ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Theo Vietnam+