15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Nhiều chính sách sáng tạo, nhân văn phát triển Đà Nẵng - Bài 1: Văn hóa là động lực phát triển

.

(tiếp theo kỳ trước)

Phát triển văn hóa vùng ven

Trong khi người dân khu vực trung tâm thành phố dễ dàng xem phim màn ảnh rộng tại các cụm rạp tư nhân hay rạp Lê Độ, thì với người dân vùng ven, đặc biệt ở các xã của huyện Hòa Vang, điều này vẫn còn “xa xỉ”.

Mấy chục năm qua, đều đặn mỗi tháng, Đội chiếu bóng lưu động (thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng) lại lên đường phục vụ bà con ở các xã nông thôn, miền núi thuộc huyện Hòa Vang (11 xã, đặc biệt là các thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc; thôn Phú Túc, xã Hòa Phú), làng SOS, khu công nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang và các trường đại học trên địa bàn thành phố. Các bộ phim được chiếu chủ yếu là phim truyện cổ tích, tài liệu…

Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ban hành ngày 25-12-2015 về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, đội còn chiếu phim tuyên truyền an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống tệ nạn xã hội, nếp sống đô thị…

Ông Phan Công Dũng, Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động chia sẻ, những tưởng nghề chiếu bóng lưu động không còn “chỗ đứng” khi phương tiện truyền thông (ti-vi, Internet) phổ biến, nhưng khi về nông thôn trình chiếu, vẫn thấy bà con rất yêu thích hoạt động này.

Hằng năm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đều có kế hoạch biểu diễn phục vụ người dân vùng ven.
Hằng năm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đều có kế hoạch biểu diễn phục vụ người dân vùng ven.

Ngoài chiếu phim, chương trình nghệ thuật cũng được các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao, các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật mang về biểu diễn phục vụ người dân. Cụ thể, Hội Nghệ sĩ sân khấu thường xuyên tổ chức biểu diễn các vở kịch ngắn, kịch vui với chủ đề “Xây dựng nông thôn mới”, “Thành phố 5 không”, “3 có”, “Thành phố 4 an” tại các xã Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Phước, Hòa Châu (huyện Hòa Vang).

Trong khi đó, Trung tâm Văn hóa thành phố phối hợp với các trung tâm văn hóa phường, xã biểu diễn kịch ngắn, ca nhạc phục vụ người dân tại các khu văn hóa biển, các xã của huyện Hòa Vang, đặc biệt là 2 xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Phú.

Theo ông Lê Phước Thịnh, Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động (Trung tâm Văn hóa thành phố), hoạt động tuyên truyền lưu động trong thời gian qua được Trung tâm liên tục đổi mới, đầu tư tác phẩm chất lượng nhằm thu hút công chúng.

Qua đó, thông tin thời sự, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước dễ đi vào lòng người; đồng thời tạo điều kiện để nâng cao đồng đều mức hưởng thụ văn hóa-văn nghệ của công chúng ở khu vực vùng ven, nhất là đồng bào vùng nông thôn, miền núi.

Thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ chính trị, ban hành vào ngày 16-10-2003 về phát triển Đà Nẵng thành một trong những đô thị lớn của cả nước, thành phố đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người, trong đó có xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, hiện đại.

Từ đó, nhiều chủ trương lớn ra đời như Chỉ thị số 43-CT/TU về chương trình hành động “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, xây dựng “Thành phố 5 không”, “3 có”, “Thành phố 4 an”, cụ thể hóa bằng những hoạt động nhỏ hơn như: phát hành sổ tay văn hóa “Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, lấy ý kiến về Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng… để các chủ trương len lỏi trong từng ngóc ngách của đời sống.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, việc xây dựng nếp sống, lối sống văn hóa - văn minh có nhiều ý nghĩa đối với địa phương. Trước tiên là góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, trật tự mỹ quan đô thị; cải thiện môi trường; các giá trị văn hóa truyền thống có điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy.

Những yếu tố này giúp môi trường xã hội trở nên lành mạnh, an toàn, là điều kiện thuận lợi để mỗi người dân phát triển toàn diện. Đây là bước đi quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết 33.

Ý nghĩa quan trọng thứ hai, đây là nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu tất yếu của sự phát triển, tái cấu trúc đô thị trên diện rộng ở Đà Nẵng hiện nay.

“Về lý thuyết cũng như trên thực tế, quá trình đô thị hóa được cho là thành công khi người dân nông thôn tham gia vào quá trình này phải chuyển đổi thành công 3 yếu tố: chỗ ở, thu nhập và văn hóa. Huyện Hòa Vang đang trong quá trình đô thị hóa, đời sống văn hóa chuyển biến rất mạnh.

Đa số người dân Hòa Vang là nông dân, vốn mang thói quen sinh hoạt và nếp nghĩ tiểu nông. Để trở thành thị dân, ngoài việc chuyển đổi về chỗ ở và thu nhập từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, người cần chuyển đổi cả về văn hóa từ tiểu nông thành văn hóa thị dân”, ông Tân nói.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố cho biết, ở khu vực trung tâm thành phố, mỗi năm có hàng chục lễ hội ở hai bên bờ sông Hàn cùng nhiều hoạt động văn hóa khác được tổ chức thường xuyên, nhất là vào các dịp cuối tuần.

Trong khi đó, khu vực vùng ven, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi, mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân còn thấp. Nhận thức được điều đó, ngành văn hóa đặc biệt quan tâm đầu tư văn hóa vùng ven, thúc đẩy văn hóa Đà Nẵng phát triển trên diện rộng.

Thời gian qua, sở đã tham mưu lãnh đạo thành phố phê duyệt mạng lưới thiết chế văn hóa trên khắp địa bàn Đà Nẵng, đề nghị thành phố sau khi phân bổ kinh phí cho các quận, huyện thì trong danh mục đầu tư xây dựng phải có thiết chế văn hóa.

Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các đội thông tin lưu động, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc như Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tập trung phục vụ người dân tại các khu vực này với nỗ lực đưa văn hóa đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
(Còn nữa)

;
.
.
.
.
.
.