ĐNO - Tại Cơ sở giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh, có một vị cố vấn trẻ ngày đêm miệt mài giúp đỡ những em nhỏ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng. Từ những việc làm của anh, nhận thức của mọi người về trẻ tự kỷ đã dần thay đổi và bản thân các em nhỏ cũng phát triển theo hướng tích cực hơn. Đó là anh Nguyễn Việt Tuấn (SN 1986), hiện công tác tại Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Việt Tuấn (trái) hướng dẫn một em nhỏ tự kỷ tập vận động. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nỗ lực để trẻ tự kỷ phát triển toàn diện
Tháng 8-2017, anh Tuấn triển khai chương trình kết hợp điều trị tâm vận động và kiểm soát hành vi cho các em nhỏ tự kỷ tại Cơ sở giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục đặc biệt - thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng) và trở thành cố vấn của đơn vị này trong công tác điều trị, chăm sóc trẻ tự kỷ.
Theo anh Tuấn, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều cá nhân và đơn vị thực hiện việc can thiệp vận động cho trẻ tự kỷ.
“Các em nhỏ tự kỷ đa phần đều chưa được quan tâm đúng mức ở mảng vận động và thể chất. Tôi muốn chương trình kết hợp tâm vận động với học và chơi, đưa các em tiếp xúc với thế giới mở bên ngoài nhiều hơn để các em dịu bớt những hành vi nguy hiểm. Từ đó, các em có thể phát triển toàn diện hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Trong cuộc sống, trẻ tự kỷ không thể kiểm soát được hành vi và rất dễ tự gây nguy hiểm cho bản thân như quấn dây điện vào cổ, tự đưa ngón tay vào ổ điện, đập đầu vào tường… Chính vì thế, anh Tuấn và những cộng sự phải chia nhau “kèm cặp”, dõi theo sát từng cử chỉ, từng bước đi của các em; thường xuyên tương tác với các em; hướng dẫn các em tham gia chơi các trò chơi và bài tập vận động.
Tất cả nhằm giúp các em có được một nền tảng thể trạng và khả năng phản xạ tốt, từ đó các em có thể tự mình ứng phó trong những tình huống nguy hiểm đối với bản thân.
Vừa kể, anh Tuấn vừa mở cho chúng tôi xem một đoạn video quay cảnh một em nhỏ tự kỷ đang chơi bóng rổ. Nếu không được giới thiệu trước, có lẽ không ai nghĩ nhân vật trong video ấy là một trẻ tự kỷ. Bởi, động tác xử lý bóng và cú ném bóng chính xác vào rổ của em không khác gì kỹ năng cơ bản của một vận động viên bóng rổ thực thụ.
Từ những đứa trẻ thụ động, yếu ớt ban đầu, các em đã dần cứng cáp hơn, năng động hơn. Một đội bóng rổ của trẻ tự kỷ đã được ra đời, trở thành nơi để các em sinh hoạt và thể hiện bản thân mình.
Nỗ lực của thầy và trò tại Cơ sở giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh đã đơm hoa. Bông hoa đầu tiên chính là Đại hội Thể dục - Thể thao dành riêng cho trẻ tự kỷ do anh Tuấn đứng ra tổ chức, với sự tham gia của đội “chủ nhà” Ước Mơ Xanh, Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam.
Thay đổi nhận thức của mọi người về trẻ tự kỷ
Dự án ảnh “Smile Angel - Nụ cười thiên thần” ra đời trong quá trình anh Tuấn và các cộng sự thực hiện chương trình kết hợp điều trị tâm vận động và kiểm soát hành vi cho các em nhỏ tự kỷ. Từ việc quay phim, chụp ảnh các em để làm tài liệu lưu trữ và gửi cho phụ huynh theo dõi, anh Tuấn quyết định thực hiện dự án đầy tính nhân văn này.
Anh Tuấn chụp ảnh lưu niệm bên "mẫu nhí" - một em nhỏ tự kỷ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Để thực hiện dự án, anh tự bỏ tiền túi mua sắm máy ảnh, đèn, phông nền và tự dựng một phòng chụp nhỏ ngay tại nhà. Anh nhờ các cô giáo ở cơ sở Ước Mơ Xanh mua đồ chơi, đạo cụ, áo quần. Anh Tuấn trao đổi về ý tưởng với từng phụ huynh với mong muốn tặng các em những bức ảnh hoàn toàn miễn phí.
“Việc chụp ảnh cho mỗi em mất nhiều tiếng đồng hồ vì các em hiếu động nên chủ yếu là cố gắng “bắt khoảnh khắc” đẹp để lưu lại. Có em không kiểm soát được hành vi nên thường xuyên ném vỡ các vật dụng xung quanh, tôi phải nhờ các bạn tình nguyện viên hỗ trợ mới có thể hoàn thành các bức ảnh”, anh Tuấn vui vẻ kể lại.
“Mỗi em nhỏ có một sở thích riêng, có em thích màu xanh, có em thích màu đỏ, em thích thỏ, em thích gấu, có em sợ cái này, em sợ cái kia. Do đó, để có được bức ảnh đẹp, mình và các bạn phải bỏ thời gian tìm hiểu kỹ tâm lý các em, từ đó lên ý tưởng chụp cho phù hợp mà không làm các em sợ”, anh Tuấn tâm sự.
Để ghi lại được những khoảnh khắc đẹp của các em nhỏ tự kỷ, anh Nguyễn Việt Tuấn và các cộng sự phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Đến giờ, anh Tuấn vẫn nhớ rõ cảm xúc của phụ huynh khi xem những bức ảnh anh chụp. Có những phụ huynh ngẩn người ra một lúc rồi bật khóc vì con mình lên ảnh xinh xắn quá, hồn nhiên quá, nhìn vào đâu ai biết các con là những trẻ tự kỷ.
Theo anh Tuấn, dự án “Smile Angel” ra đời nhằm cải thiện cách nhìn nhận của xã hội về trẻ tự kỷ theo hướng tích cực hơn, công bằng hơn; tác động đến gia đình các em nhỏ tự kỷ để họ thấy các em vẫn có thể phát triển bình thường như mọi trẻ em khác nếu được phụ huynh quan tâm nhiều hơn và đúng cách.
Bà Lê Thị Kim Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục đặc biệt cho biết: “Sự hỗ trợ của Tuấn và các bạn tình nguyện viên đã góp phần đem lại sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho các em tại cơ sở Ước Mơ Xanh.
Trong đó, phương pháp tâm vận động giúp các em phát triển cảm xúc tích cực về mặt tâm lý, tạo tiền đề để thực hiện các liệu pháp chăm sóc khác. Đặc biệt, với trẻ tăng động, sau khi được chăm sóc theo phương pháp này, mức độ tăng động của các em giảm rõ rệt, các hành vi không mong muốn đã được giảm thiểu”.
Theo bà Thu, hoạt động của Tuấn cùng các bạn tại đây nói chung và những bức ảnh Tuấn chụp nói riêng chính là niềm động viên, khích lệ với các em tự kỷ và phụ huynh, giúp họ thấy được sự quan tâm của cộng đồng và xã hội với trẻ tự kỷ.
Trong thời gian tới, “Smile Angel” dự kiến sẽ được mở rộng đến những em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam. Theo lời anh Tuấn, các em sẽ được chụp ảnh ngoại cảnh với trang phục theo chủ đề cảnh sát, bộ đội, siêu nhân, bác sĩ…, tùy vào sở thích và ước mơ của từng em. Với Tuấn, tất cả chỉ là khởi đầu cho một hành trình đầy ý nghĩa mà ở đó các em luôn cất tiếng cười.
“Tâm vận động hay còn gọi là tâm lý vận động là một phương pháp giáo dục, dựa vào sự quan sát và sử dụng các giác quan một cách hợp lý để kích thích các khả năng của trẻ em. Thông qua sự vận động trong các trò chơi, các em dần dần hoàn thiện những kỹ năng còn yếu của mình. Đặc biệt, phương pháp này được sử dụng đối với các trẻ có dấu hiệu tăng động nhằm giúp các em giải tỏa mọi căng thẳng trong cơ thể, cân bằng tâm lý. Hiện phương pháp này cũng đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho phép triển khai tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội". Bà Lê Thị Sinh, chuyên viên trị liệu tâm lý tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố). |
XUÂN SƠN