ĐNO - Đồng hồ chỉ 5 giờ sáng, nhưng ngôi nhà nhỏ của bà Huỳnh Thị Đê trên đường Đội Cấn (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đã rộn ràng tiếng nói cười. Ở đó, có những người lớn tuổi đang mưu sinh trong niềm vui từ những trái mít chín.
Hàng mít xẻ ở nhà bà Đê luôn rộn ràng tiếng cười. |
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của bà Đê là cơ sở xẻ mít và phân phối mít chín cho các chợ, các quán ăn trên địa bàn phường Khuê Trung và nhiều khu vực lân cận. Điều đặc biệt, nhân công của cơ sở đều là người lớn tuổi.
"Ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh, có người thỉnh thoảng đau ốm, người thì nhà cửa khó khăn, có người muốn làm thêm để đỡ đần cho con cháu. Mình đều giúp hết, giúp người ta có đồng ra đồng vào", bà Đê chia sẻ.
Nhìn bà Đê nở nụ cười tươi, thân thiện với những cụ ông, cụ bà, tay chân thoăn thoắt bên từng trái mít chín thơm lừng, ít ai biết người phụ nữ tuổi lục tuần này đã đi qua những năm tháng khó khăn cùng cực. Ngày trước, bà mưu sinh bằng nghề bóc mít thuê ở chợ đầu mối Hòa Cường với tiền công 2.000 đồng/ký mít. Rồi sau này chồng mất, một mình bà cũng bươn chải bên những trái mít để nuôi con ăn học nên người.
Thấy nghề bóc mít phù hợp với mọi người, người già yếu tay, yếu chân cũng có thể làm được, bà Đê nghĩ tới việc tạo "cần câu cơm" cho những người lớn tuổi. Đều đặn mỗi ngày, bà đặt báo thức 2 giờ sáng rồi tất tả dậy sớm ra chợ Đầu mối Hòa Cường chở mít.
Những trái mít giống Thái Lan, được bà đặt mua từ thương lái miền Tây. Khi mít được chuyển về nhà bà cũng là lúc "đội ngũ" thợ bóc mít lớn tuổi có mặt.
Với mỗi ký mít xẻ và tách múi, người thợ lớn tuổi được trả công 5.000 đồng. |
Bây giờ, "đội ngũ" đó đã được chừng 12 người. Trong đó, người "trẻ" nhất 60 tuổi, lớn nhất đã qua ngưỡng "bát thập cổ lai hy". Một ngày của họ bắt đầu từ sáng sớm, với "đồ nghề" là con dao sắc để xẻ và tách từng múi mít.
Với mỗi ký mít bóc được, họ được bà Đê trả 5.000 đồng. Những người làm nhanh, khỏe có thể bóc được cả tạ mít một ngày, người nhẹ nhàng hơn thì 3-4 chục ký.
Vợ chồng bà Huỳnh Thị Chua - người tham gia bóc mít nay đã ngấp nghé tuổi 70, kể: Ngày trước gia đình trồng hoa, buôn bán hoa kiểng, nhưng rồi tuổi cao sức yếu không cho phép họ gắn bó với nghề ấy lâu dài. Từ ngày "nhẵn mặt' với mít, bà thấy mình vui hơn, vừa có thêm chút tiền đi chợ, vừa có thêm "mấy bà bạn già" hàn huyên tâm sự để vơi bớt cô quạnh tuổi già.
Có mặt gần như sớm nhất ở nhà bà Đê, bà Trần Thị Thu (năm nay 80 tuổi) là người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Bà có người con dâu bị tai nạn, sức khỏe suy kiệt không cho phép chị đi làm được nữa. Từ đó, những đồng tiền công bên trái mít của bà Thu trở thành chi phí phụ chợ búa cho gia đình, lo một phần học phí cho 2 đứa cháu.
Cũng như bà Chua, bà Thu tâm sự: "Đi làm cho vui, ở nhà buồn lắm. Cảm ơn cô Đê, vì người già như tôi không biết làm chi kiếm thêm".
Ông Trần Văn Kiều, Tổ trưởng tổ dân phố 25, phường Khuê Trung chia sẻ: "Việc làm của chị Đê tuy nhỏ nhưng đã mang lại niềm vui lớn cho những người lớn tuổi, như chúng tôi".
Hỏi những người thợ bóc mít, mới biết chuyện bà Đê đã... từ chối nhiều nhân công trẻ tuổi, dù họ có đủ đầy sức khỏe và sự nhanh nhẹn trong công việc này. Bà chỉ cười, bảo người trẻ thì có nhiều việc khác để làm hơn, cần sức vóc hơn, còn với người già, đây là việc mà họ cần. Cần không chỉ ở thu nhập mà còn cần vì niềm vui, vì sự đồng điệu sẻ chia khi mái đầu đã bạc.
Trên một góc vỉa hè đường Đội Cấn, hình như bao giờ cũng nghe tiếng cười bên những múi mít vàng ươm, thơm lừng.
Bài và ảnh: XUÂN SƠN