Người Đà Nẵng

Chuyện về nghệ nhân ALăng Mỹ với cây đàn Ta lư

10:37, 04/11/2022 (GMT+7)

ĐNO - Gắn bó với cây đàn Ta lư từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, đến nay nghệ nhân ALăng Mỹ (SN 1959, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) vẫn nguyên vẹn tình yêu với cây đàn độc đáo này như cách ông dành tình yêu cho núi rừng. 

Nghệ nhân ALăng Mỹ với cây đàn Ta-lư trên tay.
Nghệ nhân ALăng Mỹ với cây đàn Ta lư trên tay.

Trong tiết trời se lạnh cuối tháng 10, chúng tôi băng qua con đường bê-tông lấm lem bùn đất tại xã Hòa Bắc để gặp và cảm nhận rõ hơn tình yêu của người đàn ông Cơ tu với cây đàn Ta lư. 

Chuyện về tình yêu của ông với đàn Ta lư bắt đầu từ năm 1968-1969. Lúc bấy giờ, do hoàn cảnh khó khăn nên dù nhỏ tuổi, ông phải đi Lào lao động kiếm sống. Dù xa quê nhà, xa tiếng đàn Ta lư trong trẻo của bố, nhưng ông không bao giờ quên giai điệu của cây đàn ấy. 

Vì khao khát chơi đàn nên ông vừa lao động, vừa tìm kiếm nguyên liệu để làm đàn. Cuối cùng, ông chọn loại gỗ trắc để làm đàn Ta lư. Trong bộn bề cuộc sống với nhiều vất vả, nhưng tình yêu của ông với cây đàn này vẫn không phai nhòa trong những ngày sống trên đất Lào.   

Ngoài chơi đàn Ta-lư, ông Mỹ còn là một nghệ nhân điêu khắc gỗ có tiếng trong vùng. Ông có rất nhiều bằng khen trong các cuộc thi điêu khắc.
Ngoài chơi đàn Ta lư, ông ALăng Mỹ còn là một nghệ nhân điêu khắc gỗ có tiếng trong vùng. Ông đạt nhiều danh hiệu trong các cuộc thi điêu khắc.

Cây đàn của ông ALăng Mỹ được cất trong chiếc rương đặt ở phòng ngủ. Bên trong là tấm khăn dày, vải mịn để gói đàn. Có thể nói, cây đàn được ông trân quý, chăm sóc, giữ gìn cẩn thận.

Vào mùa du lịch, khách thập phương đến với xã Hòa Bắc, nhiều người tìm đến nhà ông ALăng Mỹ để nghe ông chơi đàn. Mỗi một buổi đánh đàn phục vụ du khách, ông nhận được 100.000 - 200.000 đồng.

Nhấm ngụm chè nóng, ông ALăng Mỹ bồi hồi: “Tôi buồn khi mình càng ngày càng lớn tuổi, nhưng thế hệ sau tại địa bàn xã lại không còn ai đam mê nhạc cụ này nữa. Thực sự mà nói, bây giờ hễ ai muốn nghe, muốn học đàn Ta lư thì hãy cứ tìm đến đây. Tôi sẵn sàng truyền lại nét đẹp bản sắc này của người Cơ tu cho mọi người”. 

Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh chia sẻ: “Trên địa bàn xã bây giờ chỉ còn duy nhất ông ALăng Mỹ chơi thành thạo đàn Ta lư. Ông ALăng Mỹ ngoài chơi đàn giỏi cũng là một người rất có trách nhiệm về  bảo tồn tiếng đàn Ta lư. Tôi đánh giá rất cao ông ALăng Mỹ trong việc chơi đàn cũng như việc sống chan hòa với bà con xóm giềng". 

CHÁNH LÂM

.