Chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo

.

ĐNO - Suốt 5 năm qua, tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu có một lớp học mà cả cô và trò đang cần mẫn cùng nhau vượt qua khó khăn để những ước mơ được bay xa và trở thành hiện thực. “Lớp học hạnh phúc” do cô Đào Thị Nhung (58 tuổi) đứng lớp và giảng dạy miễn phí cho trẻ em nghèo hiếu học.

Cô Đào Thị Nhung đang kiểm tra bài, hướng dẫn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiếu học tại “Lớp hoc hạnh phúc” do cô mở
Cô Đào Thị Nhung đang kiểm tra bài cho học sinh tại “Lớp hoc hạnh phúc” do cô mở.

Sau 35 năm gắn bó với “sự nghiệp trồng người”, cô Nhung nghỉ chế độ, về tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Trong quá trình làm công tác xã hội tại phường nhà, cô Nhung nhận thấy có nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiếu học nên cô quyết định mở lớp học miễn phí.

Cô Nhung lấy tên “Lớp học hạnh phúc” không chỉ để giảng dạy, trao truyền, nâng cao kiến thức nhằm giúp các em tiến bộ trong học tập mà thông qua lớp học còn tạo môi trường để các em được sinh hoạt, vui chơi, trao đổi kiến thức.

Vào mỗi chiều cuối tuần, “Lớp học hạnh phúc” ngay trong căn nhà nhỏ của cô Nhung lại rộn rã tiếng học bài của gần 20 học sinh ở nhiều lứa tuổi. Cô Nhung ân cần đi tới từng em, hỏi thăm tình hình học tập ở trường, bài tập ôn thi cuối kỳ của thầy cô giáo ở trường giao cho các em…, sau đó hướng dẫn các em làm bài tập. Em nhỏ trước, em lớn sau. Mỗi bài tập, cô đều giảng thật kỹ và giải đáp cặn kẽ mọi thắc mắc để các em dễ hiểu, nhớ lâu.

Tham gia “Lớp học hạnh phúc” của cô Nhung từ những ngày đầu tiên, đến nay em Vũ Trọng Khang đã có 5 năm “bám lớp” mà không vắng buổi học nào. Em Khang tâm sự: “Nhờ cô Nhung hướng dẫn tận tình, giảng bài dễ hiểu nên em đều hoàn thành tốt các bài tập ở trường, các bài kiểm tra học kỳ của em đều đạt điểm cao”.

Với 35 năm kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Nhung dường như rất thấu hiểu học trò của mình thiếu những kiến thức gì, cần bổ sung gì; đồng thời cô cũng nắm bắt được điểm mạnh của mỗi trò để giúp các em khai phá, phát triển, tạo sự chủ động trong học tập, phát triển bản thân. Cũng nhờ sự tận tâm chỉ dạy và luôn xem các em như chính con của mình nên nhiều em đã rất ngoan ngoãn và tiến bộ trong học tập. Từ một học sinh có học lực trung bình, mất nhiều kiến thức nền tảng đến nay em Khang đã đạt thành tích khá.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, cô Nhung còn dành thời gian dạy các em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, về kỹ năng sống, cách xưng hô, ứng xử,… Vì thế, trước buổi học, các em đều tự giác đến sớm để cùng dọn vệ sinh, kê lại bàn ghế.

Vào đầu năm học mới, cô Nhung thường trích lương hưu và tiền phụ cấp từ công việc xã hội để mua sách, vở, đồng phục tặng các em...Chính sự động viên, ân cần, tận tâm, cô Nhung đã thật sự trở thành “người mẹ”, “người bà” hết mực yêu quý của những học trò nhỏ.

“Nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền cho con học thêm. Mình muốn dạy kèm miễn phí để các em đỡ thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa. Vì vậy, mình đã vận động bố mẹ đưa các con đến lớp. Học sinh tiểu học được hướng dẫn hai môn Toán và Tiếng Việt, học sinh THCS chủ yếu học môn Ngữ Văn. Lớp học ban đầu chỉ vài em nhưng đến nay đã có gần 20 em từ lớp 1 đến lớp 9. Các em đến lớp theo lịch đều đặn và đa số đều chăm ngoan, lễ phép", cô Nhung cho biết.

Trước mỗi kỳ thi, không chỉ hướng dẫn các em hoàn thành tốt các bài ôn tập ở trường, cô Nhung còn sưu tập thêm các câu hỏi, đề bài để giúp các em ôn luyện, nâng cao kiến thức. Bằng phương pháp giảng bài kỹ lưỡng, bám nội dung sách giáo khoa và tận tụy nên các em nắm bài tốt, ghi nhớ sâu và có nhiều tiến bộ trong học tập.

Đã 40 năm lặng lẽ “đưa đò” và dâng “mật ngọt” cho đời, cô Nhung cảm thấy vui khi nhìn các em tiến bộ từng ngày, biết yêu thương và trở thành người có ích cho xã hội. "Đó chính là động lực để mình duy trì lớp học hạnh phúc cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi”, cô Nhung cho biết thêm. 

MAI LY

;
;
.
.
.
.
.