Những con đường Đà Nẵng
Đường Lê Duẩn: Đổi thay ngoạn mục
ĐNĐT - Gần 8 năm về công tác tại Báo Đà Nẵng, mỗi lần nghe ai đó hỏi, cơ quan đóng ở đường nào, tôi thường trả lời bâng quơ “ngay ngã tư Lê Duẩn - Trần Phú” thì y như rằng sẽ nhận được nụ cười hết cỡ cùng cái nháy mắt “chu choa, ở ngay trung tâm chứ chẳng chơi” từ người đối diện.
Không biết có phải cách nói hóm hỉnh, gần gụi của người xứ Quảng khiến tôi thêm yêu con đường Lê Duẩn, nơi cảm nhận được hơi thở cuộc sống đang từng ngày phát triển mạnh mẽ.
Đường Lê Duẩn trở thành tuyến phố chuyên doanh đầu tiên của thành phố. |
Ký ức đường phố
Hầu hết người dân đã và đang sinh sống dọc tuyến đường Lê Duẩn đều cảm nhận rõ sự đổi thay, phát triển của tuyến phố này. Cách đây gần 20 năm, đường Lê Duẩn chỉ là con đường rộng chừng 9 mét, dài hơn 2km, nối dài từ ngã ba Cai Lang đến giáp đường Trần Phú. Sinh sống dọc tuyến đường này phần lớn là dân tản cư tránh bom Mỹ từ Quảng Nam và một số ít là những hộ dân sống từ thời Pháp thuộc.
Một số tài liệu ghi lại thời Pháp thuộc, con đường này mang tên vị giám mục người Pháp qua truyền giáo tại Việt Nam thời Nguyễn Ánh - Rue Pigneau de Béhaine - người dân thường gọi là Bá Đa Lộc. Đến năm 1950, đường Rue Pigneau de Béhaine đổi tên thành đường Thống Nhất và mãi đến năm 1987, trở thành đường Lê Duẩn như hiện nay.
Trong ký ức của ông Nguyễn Thành Long (SN 1942), người đã cư ngụ 46 năm trên tuyến đường này, cho biết khi ông từ Sài Gòn ra Đà Nẵng sinh sống và mở tiệm may áo dài Nam Việt tại số nhà 27B đường Thống Nhất (nay là số 95 Lê Duẩn), đây vẫn là tuyến đường không mấy nhộn nhịp. Đời sống người dân tản cư còn khổ cực nhưng bù lại, hai bên đường có nhiều cây cổ thụ, cho bóng mát quanh năm. Ngoài tiệm may của ông, còn có thêm một vài quầy tạp hóa, tiệm cơ khí hoặc sạp quần áo bình dân mọc lên phục vụ bà con quanh vùng.
Cũng theo ông Long, khi tuyến đường Lê Duẩn chưa thực hiện cuộc đại cách mạng “giải tỏa, mở rộng”, đoạn kéo dài từ ngã tư Ngô Gia Tự - Lê Duẩn đến ngã tư Ông Ích Khiêm - Lê Duẩn thường được gọi là đoạn Cầu Vồng vì nơi đây có một chiếc cầu có thiết kế đường luồn phía dưới cho người dân tránh xe lửa trên hành trình vào ga Gare de Tourane central.
Vỉa hè đường Lê Duẩn thoáng rộng, nền nếp |
Tương truyền rằng, việc quân Pháp cho xây dựng đoạn Cầu Vồng tránh tàu lửa cũng có nguyên nhân của nó. Ông Phạm Hữu Đăng Đạt, người có nhiều bài viết về chuyện xưa xứ Quảng kể một lần nọ, vị quan đầu tỉnh có việc đi ô-tô từ hướng ngã ba Huế về Lê Duẩn, ngang qua đoạn rào chắn giữa Lê Duẩn và đường vào ga Gare de Tourane central vừa lúc tàu hú còi, báo hiệu sắp đi qua.
Nhân viên gác ba-ri-e vội vàng cho đóng chắn nhằm ngăn mọi người băng qua tránh xảy ra tình huống đáng tiếc. Viên quan ngồi trong xe thấy vậy, tỏ ra hậm hực nghĩ mình đường đường là quan lớn mà cái gã nhân viên gác ba-ri-e quèn cũng không nể mặt cho qua bởi còi tàu hú còn xa, đâu phải đã sắp đến.
Chờ khi tàu lửa đi khỏi, gã lính hầu theo lệnh quan xông tới trừng mắt nhìn viên gác cổng, quát rằng: “Sao thấy xe quan đi qua mà vẫn đóng cổng, bộ không sợ sao?”. Người gác cổng thưa lại: “Tui không đóng cổng thì giờ ni quan đã chết mất rồi. Tàu lửa qua, nó có biết quan mô mà tránh. Lúc đó, ai chịu tội? Quan chớ vua qua tui cũng đóng”. Nghe viên gác cổng nói thế, gã lính hầu cứng họng không biết đáp sao đành quay lại, bẩm sự tình với quan. Quan nghe xong cái lý ấy, không biết nói gì nhưng thời gian sau lệnh xuống cho dân các xã Hải Châu, Thạch Thang, Thạc Gián và Tân Chính gánh đất đổ cao xây cái cầu tránh xe lửa mà dân gian thường gọi là Cầu Vồng.
Con đường nhỏ, cộng thêm dốc cao, đầy bụi mỗi lần tàu hỏa chạy qua nên một thời, cư dân thành phố đi xe đạp qua đoạn Lê Duẩn đều có tâm lý ngại băng qua Cầu Vồng do độ dốc khá nguy hiểm. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến không khí mua bán, lưu thông trên đường Lê Duẩn xưa không thể sánh ngang với Hùng Vương, Trần Phú hay Bạch Đằng, dù đây là con đường cửa ngõ của thành phố nối từ ngã ba Huế đến bến sông Hàn một thuở.
Sáng bừng màu sắc mới
Cuộc thoát xác ngoạn mục của con đường này bắt đầu từ năm 1998, khi thành phố quyết định xây dựng cầu Sông Hàn, tiến hành giải tỏa, mở rộng đường Lê Duẩn bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng bờ Đông thành hai trục đường chính, đánh dấu thời kỳ mới trong lịch sử phát triển toàn thành phố. Đoạn Cầu Vồng cũng được phá bỏ trong khoảng thời gian ấy.
Chùa tọa Tân Hòa lạc trên đường Lê Duẩn |
Sống trên đường Lê Duẩn, lại là tổ trưởng tổ dân phố từ năm 1975 đến nay nên ông Long nắm khá rõ từng giai đoạn thăng - trầm của đường Lê Duẩn. Ông bảo, cuối những năm 90, đường Lê Duẩn như một “đại công trình”, từ ngày đến đêm luôn thấy không khí gấp rút, hối hả giải tỏa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Từng ngôi nhà nằm sát mặt đường bị đập bỏ, từng thân cây cổ thụ phải đốn hạ để mở rộng lòng đường, vỉa hè.
Từ ngôi nhà có chiều dài 17 mét rộng rãi thoáng mát, sau hai lần giải tỏa chỉ còn lại 11 mét nhưng ông Long nghĩ nếu bản thân ông và người dân không cùng thành phố quyết liệt vào cuộc thì đường Lê Duẩn rất khó có được diện mạo khang trang, tươi mới như hiện nay.
Trụ sở Đại học Đà Nẵng đặt trên đường Lê Duẩn |
Đặc biệt kể từ ngày phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn đoạn từ ngã tư Ông Ích Khiêm đến ngã tư Trần Phú với chiều dài 1,1 km khánh thành, bộ mặt đoạn đường này hoàn toàn thay đổi. Vỉa hè được thay thế bằng gạch terrazzo mang tính thẩm mỹ cao, phần dành cho người đi bộ rộng khoảng 2 mét bố trí sát mép nhà dân, việc đậu đỗ xe máy sát bó vỉa mặt đường. Hầu hết mặt tiền kiến trúc tầng 1 được cải tạo, đồng bộ về màu sắc bảng hiệu, chiều cao.
Hệ thống đèn chiếu sáng được đầu tư thay mới, trên tuyến đường bố trí thêm các tiện ích công cộng như biển chỉ dẫn, thùng rác… Được biết, đây là tuyến phố chuyên doanh thí điểm đầu tiên của thành phố Đà Nẵng nằm trong mục tiêu hình thành 16 phố chuyên kinh doanh mỹ nghệ, ẩm thực, thời trang, hàng lưu niệm, điện tử - kỹ thuật, đặc sản, dịch vụ du lịch và trung tâm mua sắm… trên toàn địa bàn nhằm tạo điểm nhấn cho bức tranh du lịch thành phố.
Có thể nói sau những đổi thay nhanh chóng, toàn diện, đường Lê Duẩn đã và đang khẳng định vai trò tiên phong, là “điển hình tiên tiến” mỗi khi nhắc tới sự phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Nẵng thời gian qua.
TIỂU YẾN