Cung đường Hoàng Sa được đánh dấu bằng tấm biển không chỉ mang ý nghĩa chỉ đường đơn thuần. Trên nền màu xanh của trời, dòng chữ Hoàng Sa như đang thầm thì kể về phần lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép suốt 40 năm.
Con đường góp phần cho mạch ngầm lòng yêu nước và khát vọng về một ngày đòi lại được Hoàng Sa từ tay Trung Quốc chảy mãi…
Những khoảng xanh trong lành trên cung đường Hoàng Sa |
Nơi lắng đọng hồn thiêng sông biển Việt
Trong một lần trò chuyện với 2 người bạn Trung Quốc, tôi đã đọc bài thơ “Những huyết cầu Tổ quốc” của nhà thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên và kể cho các bạn câu chuyện về 74 người lính Việt Nam đã chiến đấu ở Hoàng Sa để bảo vệ vùng biển máu thịt của Tổ quốc.
Chung nhau ngôn ngữ tiếng Anh, tôi không thể chuyển tải hết, bạn không thể cảm nhận hết chất nhạc, chất thơ hùng hồn trong từ câu chữ. Tuy nhiên, dòng thơ - “Câu chuyện những ngư dân/ Đang hóa thân thành hồng cầu/ Để Trường Sa, Hoàng Sa/ Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc” hay: “Vết thương đạn bom vừa yên trong đất/ Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi/ Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi/ Nơi sóng rẽ cũng là là nơi máu chuyển/ Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển/ Mạch máu này con phải thấy bằng tim/ Nếu một ngày sóng nộ, cường lên/ Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy” - vẫn khiến 2 bạn Trung Quốc của tôi biến sắc, ngạc nhiên.
Các bạn ngạc nhiên bởi sách sử các bạn học chưa bao giờ có một dòng nói về hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa, về những người lính Việt đã chiến đấu quên mình để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trên bục giảng, các thầy cô giáo của bạn chưa một lần kể về những mất mát mà dải đất hình chữ S phải gánh chịu từ người bạn phương Bắc của mình.
Ngắm nhìn tấm biển gắn tên đường Hoàng Sa, Hoàng Phúc Lâm, du học sinh Úc, như được sống lại giây phút cùng học sinh, sinh viên và kiều bào tại Sydney hát vang những bài hát ca ngợi hòa bình, tình đoàn kết dân tộc, lên tiếng phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam vào tháng 5-2014.
“Đứng trên đường Hoàng Sa, hướng về Biển Đông, cảm nhận vị mặn trong nắng, gió và từng con sóng dường như giúp tôi thấm thía hơn câu hát: “Làm người, tôi sẽ chết cho quê hương”. Sống tốt, học tập và cống hiến hết mình là cách “chết cho quê hương” đáng tự hào nhất”, Hoàng Phúc Lâm nói.
Trong tương lai gần, Nhà trưng bày tư liệu Hoàng Sa sẽ tọa lạc trên chính con đường này - nơi lắng đọng hồn thiêng sông biển Việt. Khu nhà trưng bày sẽ nằm trên lô đất rộng gần 700 m2, đoạn giữa đường Hoàng Sa và Lê Văn Thứ, gần với Công viên Biển Đông. Bằng cách trưng bày đầy đủ, có hệ thống các tư liệu, hiện vật, Nhà trưng bày này sẽ là một gạch nối gắn kết thiêng liêng không gian văn hóa biển với chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, là nơi để mỗi người Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đến để học tập, nghiên cứu và cảm nhận về Hoàng Sa theo cách riêng của mình.
Cung đường dẫn về những "kỳ quan" riêng có
Không là con đường huyết mạch dẫn về trung tâm thành phố, không đông đúc, xô bồ, Hoàng Sa mềm mại ôm trọn bãi biển được bao quanh bởi bờ cát dài trắng mịn. Đường khoáng đạt mở ra bầu trời xanh trong cùng gió trời mát mẻ phía Đông thành phố, đường dẫn về những địa điểm độc đáo riêng có của Đà Nẵng.
Nếu muốn tận hưởng dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, đường Hoàng Sa sẽ đưa du khách đến với khu nghỉ dưỡng InterContinental tọa lạc tại bán đảo Sơn Trà. Đây là nơi được xướng tên tại cuộc thi Word Travel Awards (08-12-2014) với danh hiệu cao quý nhất: Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới - giải thưởng được đánh giá là “Oscar của ngành du lịch”.
Hình ảnh về Đà Nẵng, con đường Hoàng Sa - nơi khu nghỉ dưỡng tọa lạc - đã nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông toàn cầu, giúp thế giới định vị được thành phố trên bản đồ du lịch.
Nếu muốn khám phá rừng nguyên sinh, ngắm nhìn cây đa di sản, đường Hoàng Sa sẽ đưa du khách về với “khu rừng già” Sơn Trà để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tận hưởng không gian hùng vĩ mà lãng mạn của vùng bán đảo sơn thủy hữu tình. Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố 10km, hệ thống rừng, thảm động - thực vật tại bán đảo Sơn Trà vẫn còn nguyên sơ, môi trường trong lành và mang giá trị đa dạng sinh học cao. Vì lý do này mà bán đảo Sơn Trà là nơi duy nhất trên thế giới may mắn được sở hữu những cá thể voọc, đặc biệt là 300 cá thể voọc chà vá chân nâu đang sống trong tự nhiên.
Nếu muốn tìm về chốn tâm linh yên tịnh, đường Hoàng Sa dẫn đến một trong những ngôi chùa đẹp nhất của Đà Nẵng - chùa Linh Ứng. Chùa nằm ở vị thế đặc biệt: lưng chừng núi, mặt hướng ra biển, lưng tựa vào cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn của bán đảo Sơn Trà. Điều ấn tượng nhất của chùa là bức tượng Phật Quán Thế Âm cao 67m với khuôn mặt và nụ cười hiền hậu. Tượng được đánh giá là bức tượng Phật Bà đẹp và cao nhất Việt Nam.
Từ chùa Linh ứng, có thể nhìn toàn cảnh về thành phố. Đặc biệt, về đêm, vệt sáng vàng kéo dài tỏa ra từ ánh đèn thành phố tựa dòng sông hoa đăng chảy bất tận, lung linh huyền ảo.
Nếu muồn tìm đến một không gian văn hóa - nghệ thuật kết hợp với sinh thái rừng, đường Hoàng Sa sẽ đưa du khách dừng chân tại Bảo tàng Đồng đình. Nằm trên vùng rừng đồi sát đường Hoàng Sa, trong hai ngôi nhà rường cổ kính, giữa tiếng lá reo, gió hát và chim hót, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bộ sưu tập hiện là mối quan tâm của nhiều nhà khảo cổ học trong và ngoài nước.
Đà Nẵng có tổng diện tích 1.250km2, trong đó vùng đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng có diện tích 350km2. Với người dân Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, 350km2 không chỉ có ý nghĩa về mặt con số, đó còn là máu thịt trong huyết hình đất nước. Mỗi thế hệ người Việt đều hướng về Hoàng Sa, khắc ghi trong tim vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
MAI TRANG