Những con đường Đà Nẵng
Lối nhỏ ta về
Hiếm có con đường nào nằm giữa trung tâm thành phố mà không tấp nập người xe, bình yên như ta được lạc vào một… cõi khác, như đường Ba Đình.
Phần bên trái đường được trồng rất nhiều cây to, trong khi bên phải đường ít cây, nên bóng nắng cứ tha hồ nhảy nhót ở một phần đường, |
Nơi đây còn đặc biệt dù không có nhà của ta, cũng không có nhà của người thương ở đó, nhưng mỗi ngày vẫn có thể đến đây vài lần: Này nhé, có thể đến buổi sáng hay buổi trưa để ăn mì Quảng. Con đường ngắn, chỉ dài 330 mét mà có đến 2 quán mì Quảng ngon có tiếng.
Không biết tự bao giờ, “mì Quảng Ba Đình” đã trở thành tên gọi khác của quán mì Giao Thủy. Tô mì ít thôi, nhưn mì gà được lóc hết xương, mì cá đậm đà. Mì khá béo so với nhiều quán khác. Nhưng không hề gì, mì Giao Thủy mới xuất hiện ở đây chừng 3-4 năm, mà bao nhiêu người biết tiếng, bởi nó ngon thực sự.
Ai thích ăn những tô mì bình thường, giản dị, không nhiều màu mè, ít béo, thì chọn ăn mì Quảng của quán bà Bảy. Quán nằm ở khoảng giữa đường Ba Đình, được tán cây vú sữa và cây bàng tỏa bóng mát quanh năm. Bà Bảy về đây ở, mở quán bán mì được gần bốn chục năm.
Cái hồi cả thành phố có rất ít quán mì Quảng, quán bà Bảy đã được nhiều người biết tiếng, tô mì bà nấu có sức hấp dẫn riêng, đậm đà, như tô mì má nấu cho đàn con hồi nhỏ. Ăn tô mì Quảng ở đây, không chỉ nghĩ đến chuyện no, mà còn gặm nhấm nỗi nhớ tuổi thơ, thương một thời đi qua không còn cách gì níu kéo…
Và sau khi nuông chiều cái dạ dày, thì ta đi tìm vị ngọt trên môi, bằng cách đến một trong gần chục quán cà phê mộng mơ cùng nằm trên một con đường. Buổi sáng hay buổi tối đều có thể bước chân vào một quán bất kỳ, thưởng thức ly cà phê thơm ngát. Nơi đây ta có thể ngồi “tám” với bạn bè, hẹn đối tác làm việc hay đi một mình để ngồi im, dọn dẹp lại những suy nghĩ trong đầu, tách biệt với những ồn ào náo nhiệt của phố xá bên ngoài, như được tìm về lối cũ.
Trong số những quán cà phê trên đường Ba Đình, tôi thích nhất quán La Felice Cafe ở số 29. Cà phê ở đây khá ngon, cùng nhiều thức uống mới lạ khác. Quán còn đặc biệt ở chỗ dù bạn chọn bất kỳ chỗ ngồi nào trong quán, vị trí đó sẽ đưa đến cho bạn những cảm giác khác nhau. Nếu bạn ngồi ở bàn ngoài sân, sẽ có những chiếc lá vàng, những bông hoa khế tim tím rụng lả tả quanh bạn nếu vô tình có cơn gió mạnh tràn tới.
Không gian trong quán ở tầng trệt lại phù hợp với những cặp đôi muốn trò chuyện tâm tình; còn lên tới tầng 2, những chiếc bàn trà đặt dọc hành lang sẽ cho bạn một cảm giác thi vị khác, khi những cành cây như muốn sà vào chỗ bạn ngồi, thỉnh thoảng có đôi bồ câu tung cánh bay lên…
Tất nhiên mỗi quán cà phê ở đường Ba Đình sẽ cho bạn những cảm thức riêng, nhưng có một điểm chung là nó dành cho những ai không ưa không gian xô bồ náo nhiệt, chỉ thích những giây phút trầm tĩnh, lắng đọng bên bạn bè.
Đường Ba Đình có chiều dài tương đương với đường hàng xóm Lê Lai, nhưng số nhà ít hơn nhiều, bởi một phía đường là trụ sở của Công an thành phố, chiếm gần hết chiều dài con đường, vì thế số nhà bên lẻ cũng nhiều hơn số chẵn.
Chưa hết, phần bên trái đường được trồng rất nhiều cây to, trong khi bên phải đường ít cây, nên bóng nắng cứ tha hồ nhảy nhót một phần đường, nơi nắng bị gián đoạn giữa bóng cây. Người dân sống trên đường Ba Đình tự hào là ở đây chẳng bao giờ có chuyện mất cắp, đánh nhau. Bởi những người giữ yên cho thành phố đảm bảo đây là con đường bình yên nhất, hiền lành nhất.
Khi tôi viết những dòng cuối của bài viết này, thì những giai điệu trong các bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng cất lên khắp nơi, khi ông vừa đắp cỏ muôn đời, chìm vào ngàn thu ngày hôm trước. Trong số những sáng tác của cố nhạc sĩ, ca từ, giai điệu của nhạc phẩm Lối cũ ta về dễ làm cho những ai yêu cuộc sống trầm mặc, nhẹ nhàng đồng cảm hơn. Xin kết bài viết ở đây, về một con đường không thân mà quen biết với mình bao năm qua, để mỗi khi nhắc đến, tìm về, như tìm một lối nhỏ: Lối cũ ta về/dừng chân trước thềm/thoảng nghe trong gió/mùi hương ngọc lan…
Bài và ảnh: HOÀNG NHUNG