Những con đường Đà Nẵng
Thanh Sơn: Con đường dài nỗi nhớ
ĐNĐT - Nếu được bình chọn những con đường ngắn nhất Đà Nẵng thì chắc đường Thanh Sơn sẽ được đứng trong tốp đầu danh sách với chiều dài khá khiêm tốn khoảng 400m. Trước đây, con đường này chỉ là một đường nhỏ khá chật hẹp và khó đi.
Trường mầm non Măng Non - một trong 2 ngôi trường nằm trên con đường nhỏ Thanh Sơn |
Đến cuối năm 2004, Thanh Sơn nằm trong số những con đường được đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bây giờ, đường đã được thảm nhựa rộng rãi hơn xưa.
Đường Thanh Sơn bắt đầu từ trước cổng xí nghiệp may và chạy đến đường Ông Ích Khiêm rồi, dừng lại ở điểm giao nhau với đường Thanh Long. Đây cũng là nơi nhộn nhịp nhất của con đường với sự hiện diện của khu ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghệ.
Ký túc xá luôn là nơi lưu giữ những ký ức đẹp nhất của một thời sinh viên. Bởi nó là nơi mà bạn và tôi, những người xa lạ bỗng trở thành bạn bè thân quen. Bởi ở đó có những con đường hò hẹn, những dãy nhà, quán nước, căng tin với biết bao buồn vui của tuổi mới lớn. Ở đó, người ta chia nhau vài gói mì, chia nhau nỗi nhớ nhà và những câu chuyện từ giảng đường. Đường Thanh Sơn đã trở thành con đường hoài niệm, đã lưu dấu trong ký ức của lớp lớp những cô cậu sinh viên khi trải qua một thời tuổi trẻ hồn nhiên và mơ mộng ở ký túc xá như thế. Chẳng phải con người ta lớn lên từ những hoài niệm đó sao.
Ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghệ nằm trên đường Thanh Sơn |
19 năm với một chiếc bàn xinh xinh và vài ba cái ghế cùng nồi xôi nóng hổi bốc ngói thơm lừng, chị Hồng đã nuôi các con trưởng thành và có việc làm ổn định. Và cái góc đường giao giữa Thanh Sơn – Lý Tự Trọng đã trở thành thân quen không chỉ với chị mà còn với nhiều người khác thích món xôi đậu của chị. Người ta vẫn tự hỏi có những món hàng không cần quảng bá, cứ hiền lành, giản dị, lăn lóc nơi góc phố như món xôi của chị Hồng mà vẫn cứ tấp nập khách tới mua.
Người đến để được nếm món xôi mình thích với đủ các sự lựa chọn từ xôi bắp, đậu đen, đậu xanh quyện thêm chút nước dừa và sợi dừa béo ngậy nơi đầu lưỡi cùng hạt đậu phụng bùi bùi mà nhớ lâu. Cũng có người đến để mua xôi và cũng để trao đổi dăm ba câu chuyện thú vị với chị Hồng, hay đơn giản chỉ là để tìm lại một thói quen. Giữa cuộc đời xô bồ hối hả, đôi lúc tự tìm cho mình một chút quen để nhớ cũng là điều đáng quý.
Một con đường khá ngắn như đường Thanh Sơn mà có đến 2 ngôi trường là Trường tiểu học Trần Thị Lý và Trường mầm non Măng non. Cứ giờ tan học, từng tốp học sinh ríu ríu như bầy chim non ùa ra trước cổng trường, sà vào vòng tay mẹ cha để trở về nhà.
“Ăn theo” ngôi trường là các dịch vụ ăn uống ở bên kia đường với đủ loại hấp dẫn từ bánh mỳ nhân cá, xúc xích cho đến nước ngọt, sữa… khiến bước chân trẻ thơ luôn phải dừng lại nũng nịu đòi ba mẹ mua cho. Chị Na, bán hàng tại nhà, trước cổng trường hơn 10 năm nay cho biết dù lời lãi không nhiều nhưng chị vẫn không muốn từ bỏ để chuyển nghề khác với thu nhập khá hơn.
Bởi chị quen với những cô cậu bé xíu, ngọng ngịu đến mua hàng, quen với những khuôn mặt bầu bĩnh, ánh mắt tròn to ngơ ngác nhiều lúc đến xin chị ly nước. Và cũng bởi chị yêu đoạn đường này, nơi mà chị đã sống từ nhỏ đến bây giờ, nơi có một phần tuổi thơ đong đầy trong ký ức thỉnh thoảng vẫn hiện ra.
Những quán cà phê ở trên đường Thanh Sơn cũng thật lạ. Chỉ có vài ba cái ghế nhựa, vài chiếc bàn con con như quán cà phê Tuyết Mai, Thúy… Một sự giản tiện hết mức có thể nhưng lúc nào cũng có khách. Bởi đơn giản, với một số người đó là điểm hẹn để trò chuyện, để giao lưu, giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Và không cần một lời hẹn nhưng họ luôn đúng giờ. Cũng không cần biết rõ người bạn trong nhóm đang làm gì, nhà ở đâu. Chỉ cần ngồi trong đám đông, chia sẻ dăm ba câu chuyện hay chỉ đơn giản và ngồi nghe và nhìn ra dòng người xe cộ trên đường, để mà giấu cái tôi cô đơn của mình trong những tách cà phê.
Nỗi nhớ dài rộng thênh thang như những con đường và con đường ở lại trong lòng người bởi nỗi nhớ. Đường Thanh Sơn ở lại trong lòng người chẳng phải vì những gì thật đặc biệt nhưng người ta vẫn không sao quên được.
Nỗi nhớ thường rất khó đặt tên. Nó gắn với một cái gì đó làm mình lưu luyến. Với tôi và nhiều người khác đã một lần bước đến đây, nỗi nhớ ấy được gọi tên một con đường: đường Thanh Sơn.
Bài và ảnh: Phương Trà