Những con đường Đà Nẵng
Đường mang tên người Việt đầu tiên làm súng trường đánh Pháp
“Tầm vóc” một con đường không đo bằng chiều dài hay chiều rộng mà được đo bằng giá trị lịch sử – văn hóa mà nó mang lại cho con người. Đường Cao Thắng là một trong những con đường như thế.
Cơ hồ như đâu đó sau những tán lá có bóng dáng quan Quản cơ Cao Thắng ngày nào cùng nghĩa quân đang âm thầm đúc súng. Ảnh: VTL |
1. Đường Cao Thắng, trong ký ức của cô Phan Mộng Hoàn từng dạy môn Việt văn ở Trường Kỹ thuật Đà Nẵng (nay là Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng), những năm cuối thập niên 60 thế kỷ trước là mùa mưa ngập lụt với những vũng nước to như cái hồ nhỏ, mùa hè bụi bay mịt mù, sau đó mới được sửa sang lại tử tế.
Từ đó, học trò nhà trường đạp xe đạp hay chạy chiếc Velo Solex (một loại xe đạp - máy thời thượng lúc đó) không còn phải vòng vèo nghiêng ngửa để tránh nước đọng nữa.
Đường Cao Thắng dài chỉ khoảng 400 mét nhưng khuôn viên Trường Kỹ thuật Đà Nẵng đã chiếm ngót nghét gần một phần ba. Bãi biển Thanh Bình bấy giờ hiền hòa cát trắng ẩn sau hàng phi lao cao vút, đúng như tên gọi, gợi lên hình ảnh những làng quê thanh bình của duyên hải miền Trung.
Trường cách không xa bãi biển, công xưởng nhấp nhô sau tán lá, mái hiên ẩn hiện dưới lùm tre. Những người học trò cũ vẫn không quên những lúc đứng trên lớp học tầng hai nhìn xuống sân bóng chuyền, một đại sảnh để học võ và diễn văn nghệ.
Ngày đó bãi cỏ xanh mượt, khuôn viên sân trường còn rộng rãi, thoáng mát, mỗi khi cắm trại là cả thầy và trò hòa mình vào trong các hoạt động hội hè đình đám.
Ngày ấy đường Cao Thắng sớm chiều rợp bóng áo xanh – đồng phục của học trò Kỹ thuật bấy giờ. Trong các cơ xưởng của trường thỉnh thoảng vang lên tiếng đe, tiếng búa, tiếng máy... những thanh âm mà chỉ không gian vắng lặng lúc đó mới vọng ra đến ngoài đường và đôi lúc gợi lên trong lòng khách vãng lai chút niềm trắc ẩn.
Vào những buổi chiều tà, nghe tiếng búa hòa lẫn tiếng sóng vọng về, cơ hồ như đâu đó sau những tán lá có bóng dáng quan Quản cơ Cao Thắng ngày nào cùng nghĩa quân đang âm thầm đúc súng…
Thư viện của Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng hẳn sẽ không thiếu tài liệu về người anh hùng – kỹ sư chế tạo Cao Thắng. Ảnh: VTL |
2. Cao Thắng (1864 - 1893) người thôn Yên Đức, xã Tuần Lễ (nay là xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). 10 tuổi, ông đã đi theo Đội Lựu (tên thật là Trần Quang Cán) làm liên lạc cho nghĩa quân (triều đình Huế gọi là giặc Cờ Vàng).
21 tuổi, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông cùng em ruột chiêu mộ lực lượng, đem 60 người đến đầu quân Tán lý Quân vụ Phan Đình Phùng (1847 – 1895) – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896).
Nhà sử học Phạm Văn Sơn trong cuốn Việt sử tân biên (quyển 5, tập Trung, tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1963), kể rằng: “Khó khăn nhất đối với nghĩa quân lúc bấy giờ là vấn đề vũ khí. Kinh nghiệm cho thấy gươm giáo, gậy gộc không chống nổi súng đồng, cho nên Cao Thắng liền nghĩ cách chế tạo súng đạn...
Trong một trận giáp chiến ở Hương Sơn - Nghệ An, Cao Thắng đoạt được 17 khẩu súng bắn mau của quân Pháp, ông liền cho thợ rèn ở hai làng Vân Chàng và Trung Lương (Hà Tĩnh) lấy súng làm mẫu... Sau mấy tháng ròng đúc được 350 khẩu như hệt kiểu súng năm 1874 của Pháp”.
Thực ra, công việc chế tác súng trong điều kiện nước ta bấy giờ không hề đơn giản. Theo bài viết “Cao Thắng và việc chế tạo súng trường” đăng trên Tạp chí Văn hóa Quân sự (số 2, 10-2005, trang 32), sau hai tháng mày mò, qua rất nhiều lần thử nghiệm, với nghị lực cao, trí thông minh và lòng quả cảm, Cao Thắng cùng với những người thợ đã chế tạo được 350 súng trường.
Tính năng, tác dụng của súng ta chỉ kém súng trường của Tây kiểu 1874 ở chỗ do nòng súng không có rãnh xoắn nên đường đạn không căng và điểm rơi của đạn không được xa.
Ngoài chế tạo vũ khí, Cao Thắng còn xây dựng một đội quân có tính chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm, làm giặc Pháp khiếp đảm. Tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng trở về căn cứ, cử Cao Thắng làm tổng chỉ huy nghĩa quân và thu được nhiều thắng lợi trong những năm 1890 - 1891.
Năm 1893, trong trận đánh Đồn Nu (Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An), Cao Thắng bị trúng đạn và hy sinh lúc mới 29 tuổi.
Cái chết của ông đã được cụ Phan Bội Châu ghi lại trong “Việt Nam vong quốc sử” – cuốn sách được coi là tác phẩm mở đầu và tiêu biểu nhất trong công tác tuyên truyền cách mạng của cụ Phan, được cụ biên soạn bằng chữ Hán vào năm Ất Tỵ (1905): “… Đánh nhau với Pháp, ông (Cao Thắng) đã chém được đầu những quan một, quan hai của Pháp, quân Pháp đã phải khuyên nhau hễ gặp Thắng là phải tránh đi. Giá mà trong nước có được mấy trăm ông Thắng thì người Pháp chả phải rút về Tây ư?... Thắng chết, người Pháp đốt chỗ làng (ông) quật mộ ông lên... Tiếc thay! (Nguyễn) Chanh, Thắng chết rồi, Hà Tĩnh không có danh tướng nữa”.
3. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng Cao Thắng đã để lại tên tuổi cùng với non sông. Được cho là người Việt Nam đầu tiên làm súng trường đánh Pháp, tên ông gắn liền với công cuộc khuếch trương công nghệ về sau.
Năm 1906, thực dân Pháp mở École des Mécaniciens Asiatiques (Trường Cơ khí Á châu) - một trong những trường dạy nghề đầu tiên do người Pháp lập ra ở Nam Bộ, thường được gọi là Trường Bá nghệ.
Đến năm 1958, người Việt đổi tên trường Pháp lập này thành Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng – thay tên Pháp bằng tên người Việt Nam đầu tiên làm súng trường đánh Pháp! Lòng tự tôn dân tộc này vẫn còn tồn tại đến ngày nay qua việc nâng cấp trường thành Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, tọa lạc ở phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở Đà Nẵng, Trường Kỹ thuật được khởi công xây dựng năm 1960, hai năm sau, tháng 9-1962, khai giảng khóa đầu tiên. Đến năm 1976 đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1994 chuyển thành Trường Cao đẳng Công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng.
Một thời gian dài, do trường nằm bên đường Cao Thắng nên người ta quen gọi là Trường Kỹ thuật Cao Thắng - Đà Nẵng. Cách gọi dân gian này còn biểu hiện ước mơ của học trò nhà trường ngày đó: Nỗ lực học và hành sao cho xứng danh với người anh hùng – kỹ sư chế tạo Cao Thắng, nhất là không thua kém học trò Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng - Sài Gòn.
Trước năm 1975, hầu hết học trò Trường Kỹ thuật Đà Nẵng đều chằm hăm vào việc học, nhất là những ai học năm cuối trước khi ra trường, ngày đêm “sôi kinh nấu sử” với mong ước sẽ thi đậu vào các trường “lừng danh” ở Sài Gòn ngày đó, nhất là Trường Kỹ thuật Phú Thọ (thành lập năm 1957), nay là Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
4. Đường Cao Thắng ở Đà Nẵng dài chỉ 400m, phía đông giáp với đường Đống Đa, phía tây giáp với đường Ông Ích Khiêm. Ở nơi chật hẹp giáp ranh 3 con đường có tên gọi thấp thoáng bóng dáng của chiến tranh, súng đạn ấy, thật ngẫu nhiên khi xuất hiện một bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa Hải Châu (mới) hiện có 300 giường, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt chuẩn bệnh viện hạng 1 với 400 giường. Ảnh: VTL |
Bên cạnh sự vô tình của hòn tên mũi đạn đã có hẳn một “nhà thương” với những bàn tay, tấm lòng sẵn sàng xoa dịu nỗi đau thương, mất mát của con người.
Ngày trước là Bệnh viện Teresa, giờ đây là Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu. Những người cất tiếng khóc chào đời trong bệnh viện nhỏ bên đường Cao Thắng ngày nào, mỗi khi có dịp quay lại chốn xưa không khỏi bồi hồi với bao hoài niệm thân thương do cha mẹ kể lại.
Ngày đó đường còn nhỏ hẹp với ổ gà, ổ voi ngày đông ngập nước, nhiều sản phụ đến “nhà thương” bên đường, ra về với đứa con bé bỏng trên tay rồi chạnh lòng mà đặt tên con để nhớ ghi ngày đó: Đông Sương, Thắng Vũ, Hồng Thủy…
Giờ quay lại, hình ảnh quen thuộc ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là một viện nguy nga, đồ sộ, sừng sững đứng bên đường với tấm biển nơi cổng: Bệnh viện Đa khoa Hải Châu.
Với tổng kinh phí 86,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, bệnh viện 8 tầng nổi và 1 tầng hầm được xây dựng trên khu đất rộng 3.657m2 này sẽ khắc phục tình trạng quá tải của bệnh viện cũ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân với các hạng mục phụ trợ và kèm theo các trang thiết bị y tế hiện đại.
Người viết mỗi tháng một lần nhận thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Hải Châu nên cảm nhận được sự thay đổi ở bệnh viện tuyến quận lớn nhất thành phố này. Từ trước Tết Bính Thân 2016 vừa rồi đã lần lượt đưa vào sử dụng từng phòng chức năng, đầu tháng 3 này toàn bộ bệnh viện đã đi vào hoạt động tại cơ ngơi mới.
BSCKI – Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Trọng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện, rất vui: “Cơ sở mới cấp quận, huyện như thế này không dễ gì có, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, quận Hải Châu. Bệnh viện có đủ phòng ốc, trang thiết bị đáp ứng lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế Theo Luật BHYT sửa đổi.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã/phường và tuyến huyện/quận trên cùng địa bàn tỉnh/thành phố”.
Cơ sở vật chất mới tạo thuận lợi cho người dân trong chăm sóc sức khỏe. Niềm vui lan tỏa từ thầy thuốc đến bệnh nhân. Bệnh viện Đa khoa Hải Châu (mới) hiện có 300 giường, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt chuẩn bệnh viện hạng 1 với 400 giường.
5. Thường thì tâm lý ai cũng thích con đường đi qua trước nhà mình có tên “đẹp”. Đường Cao Thắng giờ đã mang một diện mạo mới, nhà cửa, phố phường đều từng bước khang trang, sạch đẹp. Trong tâm thức những cư dân sống dọc hai bên đường, Cao Thắng là một cái tên rất “đẹp”, bởi đó không chỉ là con đường mang tên người Việt Nam đầu tiên làm súng trường đánh Pháp mà còn bởi “tầm vóc” một con đường không đo bằng chiều dài hay chiều rộng mà được đo bằng giá trị lịch sử – văn hóa mà nó mang lại cho con người.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ