Những con đường Đà Nẵng
Đường Phạm Cự Lượng - Con đường bằng lăng tím
ĐNĐT - Đường Phạm Cự Lượng “đáng yêu” khi mỗi sáng mai thức dậy, người dân sống dọc hai bên đường có thể nghe mùi hoa sưa nở trắng trời hòa lẫn sắc tím dịu dàng của hoa bằng lăng. Những cành hoa tô vẽ thêm sắc đẹp cho con đường.
Nếu mỗi con đường ở Đà Nẵng mang một vẻ đẹp riêng thì có thể ví đường Phạm Cự Lượng là con đường bằng lăng tím. |
Con đường bằng lăng tím
Ai đã từng gắn bó với mảnh đất Đà thành đều nhận ra rằng mỗi con đường ở thành phố đầu biển cuối sông này đều có vẻ riêng của nó. Tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa chạy dài bên bờ biển đầy nắng và cát trắng, đường Bạch Đằng luôn náo nhiệt mỗi tối, đường Lê Duẩn với dãy phố thời trang sang trọng…
Mỗi con đường ghi dấu trong lòng mỗi người một cách khác nhau, người yêu con đường này bởi có nhiều kỉ niệm đẹp, người mến con đường kia bởi có nhiều hàng quán bán món ăn mà họ thích.
Với riêng tôi, mỗi lần chạy ngang qua mái trường THPT Hoàng Hoa Thám, hình ảnh những tà áo dài trắng thướt tha đạp xe đến trường đã trở thành một phần kí ức không thể nào quên trong trái tim tôi.
Mỗi lần có dịp ngang qua con đường này, tôi lại khắc khoải với nỗi nhớ mái trường cấp ba Hoàng Hoa Thám. |
Tôi đã từng đi đi, về về con đường này suốt những năm THPT nên mỗi lần có dịp ghé lại, lòng cảm thấy xuyến xao lạ kỳ. Đường Phạm Cự Lượng đã in dấu trong tôi bao kí ức đẹp của tuổi học trò không thể nào lãng quên.
Những buổi đi học văn nhà cô giáo chủ nhiệm, những lần í ới bạn bè ăn vặt sau giờ tan học, những buổi đạp xe đi học dưới trời mưa với đứa bạn thân… Kỷ niệm thời áo trắng chợt kéo về bên góc phố thân quen khiến lòng tôi trào dâng bao nỗi nhớ nhung khi nghĩ về con đường đến trường năm xưa.
Dạo này Đà Nẵng đang độ vào hè. Cái nắng của những ngày cuối tháng năm lại làm lâng lâng bao xúc cảm của những ai từng là học trò. Cứ mỗi lần đi qua đường Phạm Cự Lượng, lòng tôi lại nhớ đến những câu thơ trong bài Mùa hạ cuối: “Cuối con đường tóc bay rối trang thơ/ Dòng lưu bút chuyện ngày xưa ủ kín/ Bằng lăng nở mênh mang chiều sắc tím/ Tuổi học trò bịn rịn với vầng trăng”.
Cái sắc tím mênh mang của những chùm bằng lăng trong bài thơ này đã gợi lại trong tôi màu tím nhớ thương khi nghĩ về con đường Phạm Cự Lượng. Đi dọc đường này vào những ngày đầu hè, chắc hẳn những ai đã từng đạp xe đến trường sẽ không khỏi ngậm ngùi khi thấy sắc bằng lăng đã trổ tím cả những góc phố thân quen.
Nhớ con đường đến trường năm xưa... |
Diện mạo đổi thay
Năm 2013, khi cầu Rồng bắc thêm nhịp bờ vui nối hai bờ đông tây sông Hàn, đường Phạm Cự Lượng thay đổi diện mạo đến không ngờ. Cùng với việc mở tuyến đường Võ Văn Kiệt nối từ cầu Rồng ra biển, chạy cắt ngang đường Phạm Cự Lượng, nhiều nhà dân nằm trong diện giải tỏa mặt bằng di dời đến nơi ở mới đã tạo cơ hội “đổi đời” cho con đường nhỏ này.
Nhớ hồi xưa còn học trường Hoàng Hoa Thám, mỗi giờ tan trường, bọn học sinh chúng tôi hì hục chở nhau trên con đường rải sỏi đá chật hẹp, mùa mưa đất đỏ lấm cả gấu quần tà áo dài. Có những hôm trời đổ mưa dầm dề, đường Phạm Cự Lượng không thoát khỏi cảnh ngập do ngày ấy chưa có đường ống thoát nước. Đoạn giao nhau giữa đường Phạm Cự Lượng với đường Lương Thế Vinh có khúc cua chật hẹp khiến học sinh luôn nơm nướp lo va chạm giao thông.
Bây giờ đường Phạm Cự Lượng được mở rộng hai bên và trải nhựa phẳng mịn từ trụ sở Công an quận Sơn Trà cho đến Trường THCS Nguyễn Văn Cừ khiến con đường đến trường ngày xưa bỗng dưng khác hẳn. Trường THPT Ngô Quyền giờ nằm ra hai phía mặt tiền, học trò tung tăng đạp xe đi học mà không lo sợ tai nạn. Những quán cà phê nhỏ, quán giải khát mọc lên dọc hai bên đường, e ấp nghiêng mình dưới tán bằng lăng tím lại là nơi tán gẫu cho học trò sau mỗi giờ tan học.
Đường Phạm Cự Lượng còn có điểm đặc biệt, không lẫn vào đâu so với những con đường khác ở Đà Nẵng. Đó chính là có điểm cắt đầu với đường Nguyễn Công Trứ, điểm cắt giữa với đường Võ Văn Kiệt, điểm cắt cuối với đường Nguyễn Văn Thoại.
Cả ba con đường xương cá cắt ngang này đều là những tuyến đường du lịch quan trọng, nếu như đường Nguyễn Công Trứ là con đường giao thông huyết mạch của quận Ba xưa thì hai con đường còn lại nối những cây cầu nổi tiếng của đất Đà thành là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Vì vậy đường Phạm Cự Lượng cũng “hưởng lây” vẻ sang trọng của đường Võ Văn Kiệt, cái nhộn nhịp cuối giờ chiều của đường Nguyễn Văn Thoại và chút bình yên ban mai của đường Nguyễn Công Trứ.
Vào những mùa du lịch cao điểm, khi cả ba tuyến đường này quá tải vì dòng người ùn ùn đổ ra biển thì những ai rành đường ở quận Sơn Trà này đều có thể rẽ ngang qua đường Phạm Cự Lượng để thoát khỏi “ma trận” kẹt xe.
Khoác lên mình “tấm áo” mới, đường Phạm Cự Lượng còn “đáng yêu” khi mỗi sáng mai thức dậy, người dân sống dọc hai bên đường còn nghe mùi hoa sưa nở trắng trời hòa lẫn sắc tím dịu dàng của hoa bằng lăng. Những cành hoa sưa đã tô vẽ thêm sắc đẹp cho con đường.
Đã hơn mười năm chia tay mái trường Hoàng Hoa Thám, tôi không thường xuyên đi lại trên con đường Phạm Cự Lượng như thời áo trắng nữa. Bao kỷ niệm đẹp về con đường này, tôi xếp vào kho kí ức để lớp bụi thời gian kéo vào quên lãng.
Ngoài trường học, trên đường Phạm Cự Lượng còn ghi dấu những địa chỉ quen thuộc như Bệnh viện 199, trụ sở Công an quận Sơn Trà, nhà thờ An Hải. |
Nửa tháng nay điều trị bệnh ở Bệnh viện 199, tôi lại có dịp đi đi về về qua con đường đến trường năm xưa. Cảnh mới xen lẫn bao kỉ niệm cũ khiến lòng tôi lâng lâng nhiều tâm sự khó tả. Nhớ về kỉ niệm xưa cũ, một con đường đất đỏ gồ ghề sỏi đá, hôm nay lại thấy vui vì những cái đã đổi mới trên con đường quen thân này. Cảm ơn những con đường ở Đà Nẵng đã cho tôi cả một trời kí ức để còn biết nhớ thương, hoài vọng và tìm lại chút bình yên trong tâm hồn quá đỗi mỏi mệt vì những bộn bề, lo toan. Bỗng nghe mùi bằng lăng thoảng đâu đây qua những trang viết này…
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN