Multimedia-new

Có những hy sinh lặng thầm

14:19, 19/04/2020 (GMT+7)

 

 

Đồng hồ chỉ 0 giờ sáng, con đường Trường Sa nối liền ranh giới Quảng Nam-Đà Nẵng gần như không bóng người. Bầu không khí tĩnh mịch chỉ bị phá vỡ khi có một chuyến xe đi ngang. Chốt chặn kiểm soát dịch với nòng cốt là lực lượng Công an quận Ngũ Hành Sơn, cán bộ y tế quận và các đoàn viên, thanh niên vẫn đang “chong đèn” canh cửa ngõ.

Tham gia làm việc tại chốt chặn từ những ngày đầu triển khai hoạt động này, Phan Tăng Bình, sinh viên khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng là một trong những thanh niên năng nổ nhất với lịch trình trực dày đặc. Quãng đường từ nhà đến chốt dài hơn 30 cây số và 2 ca trực liên tục từ 18 giờ đến 24 giờ và 0 giờ đến 6 giờ không ngăn được bước chân cậu sinh viên quê Thừa Thiên-Huế.

 

Bình kể: “Hồi em mới đăng ký tình nguyện tham gia ở chốt chặn, ba mẹ ở quê cũng phản đối “dữ dội” lắm, vì sợ em cực, sợ không an toàn… Nhưng em phải giải thích cặn kẽ để gia đình hiểu rằng đây là việc làm ý nghĩa, là sự chung tay của cộng đồng nhằm đẩy lùi Covid-19”.

“Lúc đăng ký, thấy lịch đêm ít người tham gia, nên em đã xung phong trực vào giờ đó. Nói rằng không mệt, không tâm lý thì rõ là nói dối nhưng nghĩ đến việc được góp chút ít sức lực của mình vào công tác chống dịch, lại thấy vui lắm”. Công việc của Bình và nhiều bạn sinh viên, thanh niên khác là hỗ trợ cán bộ y tế đo thân nhiệt, hướng dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài thực hiện khai báo y tế. Trường hợp khách có vấn đề y tế, Bình sẽ hỗ trợ cán bộ y tế chăm sóc và khám sàng lọc.

 

Cũng như Bình, có gần 15 sinh viên khác đến từ khoa Y dược của Đại học Đà Nẵng tham gia tình nguyện ở các chốt chặn cửa ngõ, trong đó có nhiều bạn nữ. Túc trực tại cửa ô Hòa Phước (huyện Hòa Vang), bạn Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết: “Những ngày ở cửa ngõ mới thấy được tình người, thấy được sức mạnh của cộng đồng. Vui nhất khi những chuyến xe tự giác dừng lại trước các chốt chặn, hành khách vui vẻ hợp tác chấp hành việc xếp hàng đo thân nhiệt, ai cũng mang khẩu trang. Đặc biệt là em và mọi người ở chốt còn được khách tặng thức ăn, nước uống và những lời động viên chân thành”.

 

Từ hai cửa ngõ Trường Sa và Hòa Phước, chúng tôi ngược về cửa ngõ cánh bắc, nơi có chốt chặn phía nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu). Cuối tháng 3, dưới ánh sáng nhập nhoạng của ánh đèn đường lúc 2 giờ sáng, hai cán bộ của Trạm Y tế phường Hòa Hiệp Bắc là chị Trương Thị Như Tuyết và chị Trần Kim Ngân đang tranh thủ ngả lưng trong vài phút nghỉ ngơi ngắn ngủi.

Gọi là ngắn ngủi, bởi chỉ tầm 10-20 phút lại có một chuyến xe dừng lại nơi cửa ngõ. Các chị lại sửa soạn máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn để… tiếp cận hành khách. Chị Ngân chia sẻ, hành khách và cả tài xế không phải ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu đo thân nhiệt và khai báo y tế.

Chị Ngân vừa buông lời, trước mặt chúng tôi, một nhóm hành khách còn đang ngái ngủ tỏ thái độ bức xúc kèm theo tiếng cằn nhằn “đo đạc gì giờ này?” và những lời lẽ khó nghe. Có trường hợp hành khách nằm yên trên xe, các chị buộc phải đo nhiệt tận ghế ngồi của từng người, không quên kèm theo câu nói: “Chúng tôi xin lỗi đã làm phiền”. Chỉ đến khi lực lượng công an, cảnh sát giao thông can thiệp, yêu cầu thực hiện nghiêm thì tất cả mới hợp tác.

 

Trời đêm về sáng có sương lạnh, gió từ cánh bắc và từ biển Nam Ô tạt qua tạt về khiến ai cũng rùng mình, nhưng riêng chị Ngân và chị Tuyết lại… toát mồ hôi. Chỉ tay vô bộ trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân đang mặc, chị Ngân bảo: “Nóng lắm, bí nữa. Mỗi lần mặc là phải mặc y nguyên ca trực suốt 8 tiếng đồng hồ, không được cởi ra”.

Chính vì thế mà chị từ chối uống nước khi được mời. Chị rụt rè chia sẻ, uống vào rồi thì sẽ phải đi… tiểu. Mà với bộ đồ này, việc đó gần như không thể, những cán bộ y tế như chị buộc phải nhịn đi vệ sinh, chịu nóng, chịu bí, chịu cả ngứa. Cực chẳng đã, chị và các đồng nghiệp đã phải mang tã lót, mang bỉm trong suốt ca trực cũng chỉ vì lý do tế nhị nếu trên.

 

“Tôi cũng mới cai sữa cho bé nhỏ ở nhà xong. Thức trắng đêm thế này, con không được bú nên phải cai”, chị Tuyết kể. Ở nhà chị có 2 con nhỏ, trong đó bé sau chỉ mới vừa thôi nôi chưa lâu. Ngày chị Tuyết nhận nhiệm vụ ở các chốt chặn cũng là ngày hai vợ chồng chị quyết định cho con cai sữa. Chồng chị là công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh, anh ủng hộ công việc của vợ và thay chị cho con uống sữa ngoài.

Càng về khuya, trời càng lạnh, càng u tịch. Trên chiếc bàn làm việc dã chiến ở chốt chặn, chiếc điện thoại của ai đó đang phát những thông tin thời sự về Covid-19 trong và ngoài nước. Lực lượng làm nhiệm vụ chăm chú lắng nghe, thở phào vì một thông tin tích cực và khẽ chùng xuống khi thêm một ca dương tính được công bố. Họ chỉ mong một sớm mai thức dậy, không còn nghe đâu đó những từ “dịch bệnh”, “Covy”, “Covid” nữa, vậy thôi.

Kể từ thời điểm Đà Nẵng ghi nhận các ca nhiễm SARS-CoV-2 và tiếp nhận các công dân trở về để thực hiện cách ly, các phòng xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố luôn đỏ đèn cả ngày lẫn đêm.

 

Bên cạnh việc bảo đảm lấy mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 nhanh chóng, kịp thời, các kỹ thuật viên ở CDC Đà Nẵng còn phải bảo đảm thời gian trong việc đi lấy và làm xét nghiệm với các mẫu bệnh phẩm thường quy.

Từ sáng sớm, có mặt tại CDC Đà Nẵng (đường Phan Chu Trinh, quận Hải Châu), nhóm bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm đang tất bật chuẩn bị đồ nghề, thiết bị y tế chuyên dụng, cùng trang phục bảo hộ để lên xe đi đến các trung tâm cách ly tập trung, các bệnh viện cách ly, cơ sở điều trị.

Có lúc cao điểm, nhóm bác sĩ, nhân viên, kỹ thuật viên được phân công nhiệm vụ lấy hơn 400 mẫu bệnh phẩm trong 1 ngày. Các mẫu bệnh phẩm được lấy xét nghiệm SARS-CoV-2 là dịch hầu họng và dịch tỵ hầu. Trong quá trình lấy mẫu, người được lấy mẫu rất dễ bị ngứa họng, ngứa mũi dẫn đến hắt xì, nôn ọe, làm gia tăng nguy cơ bắn các hạt nước li ti chứa virus gây bệnh cho nhân viên trực tiếp lấy mẫu. Chính vì thế, lực lượng lấy mẫu bệnh phẩm luôn phải “nhốt mình” trong trang phục bảo hộ để lấy kịp và lấy đủ số mẫu bệnh phẩm được chỉ định.

Trong khi đó, nhân viên tại các phòng xét nghiệm của khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng của CDC Đà Nẵng, nơi thực hiện những xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng phải căng mình để xử lý nhanh nhất mẫu phẩm do đồng nghiệp gửi về. Nơi đây luôn trong trạng thái đóng kín cửa và dán cảnh báo “Nguy hiểm sinh học” với cấp độ an toàn cấp độ II. Bên trong các phòng kính, các nhân viên kỹ thuật được trang bị bảo hộ từ đầu tới chân, tập trung cao độ để không xảy ra sai sót, miệt mài xử lý các công đoạn xét nghiệm bên những máy móc hiện đại.

 

Theo quy trình, các mẫu bệnh phẩm sau khi được lấy về, các nhân viên y tế tại khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng sẽ thực hiện việc mã hóa để thống kê, phân loại mẫu bệnh phẩm; sau đó, thực hiện tách, xử lý mẫu bằng máy chạy ly tâm và công đoạn cuối cùng là chạy mẫu xét nghiệm để cho ra kết quả..

Đang tỷ mẩn với các mẫu phẩm, kỹ thuật viên Phạm Viết Sơn cho biết: “Hàng trăm mẫu phẩm về cùng lúc, chúng tôi phải căng mình để xử lý hết. Nhiệm vụ không được chậm trễ, không được bỏ lại bất cứ mẫu phẩm nào. Có hôm anh em làm xuyên đêm. Chỉ thay nhau chợp mắt trong chốc lát để rồi làm tiếp”.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trưởng Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng) cho biết: “Thời điểm lượng du học sinh, công dân từ các nước châu Âu về Đà Nẵng và được cách ly tập trung, mọi người làm việc đến 1, 2 giờ sáng mới xong một đợt mẫu phẩm. Công việc đòi hỏi độ chính xác, tỉ mỉ cao nên CDC Đà Nẵng sẵn sàng lấy mẫu 2 lần để xét nghiệm cho chắc chắn, tuyệt đối không để trường hợp nào bị bỏ sót làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng”.

 

Việc CDC Đà Nẵng được Bộ Y tế cho phép chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 là một thuận lợi rất lớn trong công tác phòng, chống dịch của thành phố, giúp tiết kiệm thời gian, phương tiện nhân lực vận chuyển mẫu phẩm vào Viện Paster Nha Trang như trước đây. Đến thời điểm này, CDC Đà Nẵng đã thực hiện hơn 4.000 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đổi lại các nhân viên tại đây phải vất vả, cố gắng gấp nhiều lần, chạy đua với thời gian để cho ra kết quả chính xác và sớm nhất.

 

.