Trao đổi với Báo Đà Nẵng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), PGS.TS Hồ Tấn Sáng (giảng viên Học viện Chính trị khu vực III) khẳng định: Khi nhận thấy tham nhũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta đã luôn coi trọng việc phối, kết hợp nhiều biện pháp nhằm PCTNTC. Từ sự đầu tư nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong và ngoài nước, khối lượng tri thức lý luận và kinh nghiệm về đấu tranh PCTNTC đã được bổ sung ngày càng sâu và ngày càng mang tính ứng dụng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết, Phó trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (thứ 4, bên phải sang) cùng các đại biểu trao đổi (tại điểm cầu Đà Nẵng) bên lề hội nghị trực tuyến sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức ngày 19-6-2023. Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: cuộc đấu tranh PCTNTC được tiến hành quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ông nhìn nhận về đánh giá này như thế nào?
- “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội” là nội dung hợp thành của một trong 12 định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2030 được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Điều này xuất phát từ quyết tâm chính trị, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước và những tác động tích cực, toàn diện mà cuộc đấu tranh này mang lại trong gần 10 năm qua. Kế thừa thành quả đó, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong lĩnh vực này, với những số liệu, dữ liệu mang tính thực chứng trong hơn 2 năm qua, hoàn toàn có cơ sở để chúng ta đồng tình với nhận định trên.
Ghi nhận nội dung và ý nghĩa của những việc Đảng, Nhà nước ta đã đạt được trong “cuộc chiến chống giặc nội xâm” này để thấy tầm vóc, bản lĩnh và nghệ thuật xử lý các vấn đề cực kỳ phức tạp, nhưng mang tính sống còn đối với Đảng, với chế độ. Từ nhận thức đến thiết kế chính sách, tạo lập bộ máy, bố trí lực lượng và triển khai thực hiện đã thể hiện sinh động hiện thực mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, nhờ đó, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi.
* Có ý kiến cho rằng, công tác PCTNTC của Đảng và Nhà nước ta đã nâng lên thành tầm lý luận. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Cả về mặt lý luận cũng như trên thực tế cho thấy, tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, nó gây ra những hậu quả hết sức nguy hại về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cản trở sự phát triển của xã hội. Hiện nay tham nhũng có ở hầu hết các nước trên thế giới, với những mức độ khác nhau.
Ở nước ta, khi nhận thấy tham nhũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta đã luôn coi trọng việc phối, kết hợp nhiều biện pháp nhằm PCTNTC. Từ sự đầu tư nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong và ngoài nước, ngày nay khối lượng tri thức lý luận và kinh nghiệm về đấu tranh PCTNTC đã được bổ sung ngày càng sâu và ngày càng mang tính ứng dụng cao…Trong đó, có thể nói tri thức lý luận và kinh nghiệm về cách thức xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành và kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước được xem là một thành quả đáng được ghi nhận.
Nội dung thực chất của chủ đề này là lý luận và cách thức để “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”. Lưu ý rằng, đây cũng chính là phương hướng góp phần giải quyết 2 trong 3 vấn đề mang tính “đột phá” trong chiến lược phát triển đất nước mà Đảng ta đã xác định tại Đại hội XIII.
Có thể minh chứng điều này qua việc, tại hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) (tháng 5-2012), Đảng ta đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng (được bổ sung thêm nội dung phòng, chống tiêu cực vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, theo Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16-9-2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực). Từ đó đến nay, công tác đấu tranh PCTNTC đã đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
* Từ đúc kết lý luận và thực tiễn, để công tác PCTNTC tiếp tục có hiệu lực, hiệu quả trong thời gian đến, theo ông, cần tập trung giải quyết những vấn đề nào?
- Có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần tiếp tục đúc kết, từ thành công và trở lực đang đặt ra trong đấu tranh PCTNTC, trong đó cần:
Thứ nhất, là căn bệnh với những biến tướng của sự tha hóa quyền lực, nó như những tế bào độc ẩn nấp và xâm nhập trong cơ thể mỗi con người, trở thành “giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước ta. Vì thế, muốn phòng, chống có hiệu quả trước hết phải nhận diện cho rõ thực chất và nguy cơ của căn bệnh này.
Thứ hai, về mặt lịch sử, chúng ta có một di sản quý báu đó là quan điểm, tư tưởng và cách xử lý vừa khoa học, sát thực, vừa nhân văn và hiệu lực, hiệu quả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc PCTNTC. Di sản này cần được tiếp tục quán triệt (truyền bá, học tập) và áp dụng sáng tạo (làm theo) trong thực tiễn - mỗi đơn vị, ngành, địa phương và cả nước.
Thứ ba, xét đến cùng, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh này phụ thuộc hai yếu tố bao trùm: Chất lượng thể chế và chất lượng nguồn nhân lực - những con người vận hành thể chế đó. Yêu cầu đặt ra là phải giải quyết đồng bộ việc hoàn thiện thể chế - từ định chế đến tổ chức bộ máy; đồng thời với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - trước hết trong thể chế chính trị và rộng ra thể chế xã hội.
Thứ tư, đây là vấn đề phức tạp, đôi khi được gọi là nhạy cảm - “những điều liên quan đến lợi ích của ta, chúng ta”. Vì thế, đòi hỏi về sự trong sáng, đức nhân văn cần có của chủ thể chịu trách nhiệm - người lãnh đạo cùng với vốn hiểu biết, sự am tường và bản lĩnh (6 dám) cùng với kỹ năng xử lý các tình huống liên quan. Từ góc độ trách nhiệm, bên cạnh sự nhiệt huyết vì lợi ích chung, cần thể hiện trong đó sự trăn trở, tình cảm và thái độ trước “nỗi buồn về sự mất mát”, nhưng lại phải thổi bùng lên ý thức, tinh thần dũng cảm đấu tranh chống lại “giặc nội xâm” này. Nói cách khác, khi thể chế từng bước hoàn thiện, cái cần nhất là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
SƠN TRUNG thực hiện