Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Giữ gìn và phát triển văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố Đà Nẵng

06:49, 21/08/2023 (GMT+7)

Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, có thể thấy văn hóa liêm chính được đúc kết thông qua các câu ca dao, tục ngữ, như: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, “Áo rách cốt cách người thương”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết một câu rất đáng để đọc về đạo làm quan: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Con người cách mạng nói như nhà thơ Tố Hữu trong tác phẩm “Con cá, chột nưa”: “Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi”.

Thực hiện tốt văn hóa liêm chính góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.  TRONG ẢNH: Giao dịch tại bộ phận
Thực hiện tốt văn hóa liêm chính góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. TRONG ẢNH: Giao dịch tại bộ phận "Một cửa" Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, “Chính nghĩa là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn”. Như vậy, liêm chính, là những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của con người, thể hiện sự trong sạch, ngay thẳng trước những cám dỗ vật chất, tiền tài, danh vọng, gìn giữ phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Văn hóa liêm chính đòi hỏi mọi cá nhân phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức và đạo lý trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong quá trình làm việc. Văn hóa liêm chính còn là nét đẹp trong ứng xử của cá nhân, cộng đồng, thể hiện ở tinh thần chính trực, ý thức trân trọng, giữ gìn của công. Qua thời gian, những thói quen, nét đẹp đó kết tinh thành những giá trị, chuẩn mực, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Người nhấn mạnh: Bất kể ai trong hệ thống công quyền cũng đều phải thực hành liêm chính, nhưng người lãnh đạo phải là tấm gương về sự liêm chính. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, nếu người đứng đầu mà không chính thì ở dưới sẽ “quân hồi vô phèng”; nếu người quản lý không liêm, tất cả sẽ thi nhau “xà xẻo” của công và của dân.

Vì vậy, việc xây dựng, hình thành và thực thi tốt văn hóa liêm chính, nhất là với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc này không chỉ góp phần kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chính trực, công bằng, mà còn góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt; có tinh thần gương mẫu, tiên phong, tận tụy, trung thành với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, cộng đồng.

Với ý nghĩa lớn lao đó, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản về giữ gìn và phát triển văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; triển khai sâu rộng, đồng bộ đến các cấp, các ngành từ thành phố đến phường, xã.

Điển hình nhất là Ban Thường vụ Thành ủy khóa XXI đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 về “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”. Một trong những nội dung quan trọng của chỉ thị là “5 xây” (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và “3 chống” (chống quan liêu, chống tiêu cực và chống bệnh hình thức), mục tiêu chính là tiếp tục giữ gìn và phát triển văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố.

Ngày 7-5-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tiếp tục ban hành Quy định số 13063-QĐi/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-3-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ.

Từ các văn bản này, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã căn cứ tình hình thực tiễn để cụ thể hóa, quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ trong thực thi công vụ, gắn việc thực hiện các văn bản với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Thành ủy, qua 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa 11 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong 6 tháng đầu năm 2023, với phương châm “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cấp ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức Đảng và 3 đảng viên, trong đó có 2 cấp ủy viên; kiểm tra chấp hành đối với hơn 160 tổ chức Đảng và hơn 1.080 đảng viên (tăng 10% so với cùng kỳ), trong đó có khoảng 200 cấp ủy viên; đồng thời ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 5 tổ chức Đảng và 15 đảng viên (tăng 50% so với cùng kỳ), trong đó có 5 cấp ủy viên. Thực hiện phương châm “giám sát phải mở rộng”, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cấp ủy tiến hành giám sát đối với 70 tổ chức Đảng và 190 đảng viên.

Để công tác giữ gìn và phát triển văn hóa liêm chính đi vào thực chất, có hiệu quả, song song với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên các văn bản chỉ đạo có liên quan của Trung ương, thành phố cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng văn hóa liêm chính, sao cho mỗi người phải biết trọng liêm sỉ, giữ liêm chính, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống để đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phải biết rằng tham lam là một điều rất đáng xấu hổ”; tham ô, tham nhũng là một tội ác với dân, với nước.

Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng, đặc biệt là những người lãnh đạo”. Cùng với đó, phải xác định cụ thể, rõ ràng về các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công việc được giao, trong từng ngành nghề, lĩnh vực và có cam kết thực hiện. Hằng năm, có đánh giá, tổng kết, xếp loại để kịp thời biểu dương, nhân rộng những tấm gương liêm chính, đồng thời sàng lọc, đưa ra khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức những người tha hóa về đạo đức, lối sống.

Liêm chính là nét đẹp văn hóa Việt Nam. Từ mỗi người, mỗi gia đình, tới tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội phải giữ gìn, bảo vệ và phát triển hơn nữa văn hóa liêm chính. Thấu hiểu và thực hiện đúng đắn văn hóa liêm chính sẽ góp phần quan trọng giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức tiếp tục tham gia xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, phồn vinh và phát triển bền vững.

ĐOÀN NGỌC HÙNG ANH
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, 
Thành viên Ban Chỉ đạo Thành ủy  về PCTNTC

.